Ấn Độ và EU tái khởi động đàm phán thương mại sau 8 năm đối phó các mối đe dọa từ Trung Quốc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:10, 08/05/2021
Các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi vào ngày 8.5 để khởi động vòng đàm phán mới nhằm mục đích khởi động lại quan hệ và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chính bao gồm số hóa, y tế, biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen nói với các phóng viên tại thành phố Porto, Bồ Đào Nha trước cuộc họp: “Tôi mong muốn khởi động lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do. Kỳ vọng rất cao. Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ có thể đạt được một bước tiến lớn vì giữa EU và Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ nhưng cũng rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác”.
Việc EU thúc đẩy làm sâu sắc thêm mối quan hệ cùng Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, cũng như các quốc gia châu Á khác diễn ra khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng và các lệnh trừng phạt chống lại các quan chức châu Âu đặt ra câu hỏi về thỏa thuận đầu tư gần đây của khối với Bắc Kinh.
Theo Ủy ban châu Âu, Ấn Độ chiếm 11% trong tổng số 96 tỉ euro thương mại hàng hóa và dịch vụ của EU vào năm 2020, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Ấn Độ đã bị đình chỉ vào năm 2013 trong bối cảnh những khác biệt dai dẳng về các vấn đề như cắt giảm thuế quan, sở hữu trí tuệ và quyền của các chuyên gia Ấn làm việc ở châu Âu. Một thỏa thuận có thể là lợi ích cho hai nền kinh tế, đặc biệt là khi họ đang tìm cách xây dựng lại sau sự tàn phá của đại dịch.
Hợp tác chống biến đổi khí hậu và COVID-19
Bên cạnh các cuộc đàm phán thương mại, hai bên cũng dự kiến sẽ khởi động các cuộc đàm phán về hai hiệp định riêng biệt về bảo hộ đầu tư và về chỉ dẫn địa lý. Đây là những hiệp định bảo hộ các sản phẩm như rượu champagne hoặc thịt nguội Parma có xuất xứ cụ thể.
Tuy nhiên, các quan chức EU cảnh báo rằng dù họ sẵn sàng tái tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại nhưng tiến độ vẫn còn rất ít với nhiều lĩnh vực chính, bao gồm cả thuế quan của Ấn Độ với hàng hóa (đặc biệt là ô tô) và quyền sở hữu trí tuệ.
Thỏa thuận với châu Âu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ và Anh cam kết một "bước nhảy vọt lượng tử" trong mối quan hệ hai nước và cho biết họ đặt mục tiêu tăng gấp đôi thương mại vào năm 2030. Trong khi thông báo này là một phần trong nỗ lực của Anh nhằm tăng cường liên minh ngoại giao và kinh tế sau khi rời EU, các cuộc đàm phán với Ấn Độ về một hiệp định thương mại tự do chính thức dự kiến sẽ bắt đầu cho đến mùa thu.
Các cuộc đàm phán với châu Âu diễn ra vào thời điểm khó khăn của Ấn Độ, quốc gia đang bị tàn phá do làn sóng COVID-19 thứ hai có thể chứng kiến số người chết nhiều nhất thế giới do đại dịch. Hai bên sẽ tìm cách thiết lập một khuôn khổ để hợp tác đối phó đại dịch và đảm bảo tiếp cận với vắc xin COVID-19, chẩn đoán, điều trị.
Tuy nhiên thời gian của cuộc thảo luận có phần khó xử với EU, vốn đã bày tỏ sự hoài nghi nhưng không có phản ứng thống nhất với đề xuất của Mỹ về việc đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19, một đề xuất ban đầu được các nước, bao gồm cả Ấn Độ ủng hộ.
Sự phản đối ngày càng tăng của châu Âu với lập trường của Mỹ đang khuấy động cuộc tranh luận về sự khôn ngoan của việc từ bỏ các bằng sáng chế vắc xin, điều này sẽ đòi hỏi một quá trình kéo dài tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nó cũng phơi bày những căng thẳng âm ỉ kéo dài về chủ nghĩa dân tộc vắc xin của Mỹ, vốn khiến EU và các nước khác phải gánh vác sức nặng trong việc đáp ứng nhu cầu toàn cầu.