Chiều nay 10.5, HĐXX tuyên án 14 bị cáo trong vụ Nhật Cường
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:54, 10/05/2021
Trong phần đối đáp tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng thông tin các nhà cung cấp được trích xuất từ phần mềm ERP do các bị cáo trình xuất; đồng thời các bị cáo cũng thừa nhận việc có nhận hàng, thanh toán tiền cho các nhà cung cấp. “Khi giao nhận hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ thì bản thân các bị cáo phải nhận thức rõ đó là hàng hóa bất hợp pháp”, VKS nhận định.
Đánh giá về hành vi buôn lậu trong vụ án, theo VKS, đây là đường dây buôn lậu có tổ chức hết sức chặt chẽ, tinh vi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia.
Nhận tiền hộ, đối diện mức án thật
Theo cáo buộc, Bùi Quang Huy (ông chủ Công ty Nhật Cường) đã chỉ đạo, tổ chức hoạt động mua bán điện thoại không có hóa đơn, chứng từ từ năm 2014 – 2019 với giá trị 2.900 tỉ đồng, thu lợi bất chính 221 tỉ đồng.
Để thanh toán hàng lậu cho các chủ hàng, các bị cáo thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyền khoản vào tài khoản cá nhân là người Việt Nam theo yêu cầu của chủ hoặc hoặc chuyển tiền, chuyển khoản đến tiệm vàng Hà Trung, tiệm vàng Hàng Dầu. Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (cựu Giám đốc tài chính) chịu trách nhiệm về thanh toán tiền hàng.
Liên quan đến vụ án này, có hai anh em trai gồm Ngô Xuân Sử (nhà cung cấp Công ty Miền Tây, hiện bỏ trốn) và Ngô Tuấn Sửu (bị cáo trong vụ án) bị truy tố về hành vi giúp sức cho Bùi Quang Huy. Cụ thể, riêng nhà cung cấp Công ty Miền Tây, từ ngày 13.1.2014 đến ngày 6.5.2019, Ngô Xuân Sử làm đại diện, thu gom hàng ở Hồng Kông với tổng số 606 đơn hàng với 84.403 sản phẩm điện thoại di động và máy tính bảng hiệu Apple, tổng giá trị thanh toán là 426 tỉ đồng.
Trong đó, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho Ngô Tuấn Sửu (em trai Ngô Xuân Sử) số tiền 218 tỉ đồng; chuyển 200 tỉ đồng thông qua tiệm vàng Hà Trung và 7,8 tỉ đồng thông qua tiệm vàng Hàng Dầu.
Về mối quan hệ giao dịch mua hàng này, bị cáo Trần Ngọc Ánh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) khai hai bên giao dịch qua app, thỏa thuận giao hàng tại Hồng Kông; việc trả tiền được thực hiện trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Khai nhận tại tòa, bị cáo Ngô Tuấn Sửu cũng thừa nhận đi nhận hộ tiền cho anh trai vì là người thân nên giúp nhau. Bị cáo không biết là tiền gì, chỉ biết là tiền hàng giao dịch giữa Sử và Huy; bị cáo không được hưởng lợi. Dù khai nhận không được hưởng lợi nhưng theo luận tội của VKS, việc truy tố các bị cáo là có cơ sở, đúng người, đúng pháp luật nên đã đề nghị mức án từ 7 - 8 năm tù về tội “Buôn lậu” đối với bị cáo Sửu.
Đề nghị tiếp tục điều tra
Trong vụ án này, CQĐT xác định Công ty Nhật Cường chuyển tiền vào các tài khoản của các cá nhân để thanh toán tiền mua hàng cho các nhà cung cấp. Cụ thể, chuyển 77 tỉ đồng vào 12 tài khoản để thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp “chị Yên HP”; chuyển 34,2 tỉ đồng vào 10 tài khoản thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp “Hùng HP”; chuyển 22 tỉ đồng vào 1 tài khoản thanh toán cho nhà cung cấp "anh Mai Hải Phòng”…
Chủ các tài khoản trên xác nhận có nhận tiền do Công ty Nhật Cường chuyển vào. Họ cho mượn tài khoản nhưng không rõ nhân thân, lai lịch của người mượn. Sau khi có tiền trong tài khoản, những người này đã rút ra trả lại cho người mượn tài khoản. Họ không biết, không có quan hệ kinh tế với Công ty Nhật Cường và Bùi Quang Huy, không biết tiền được chuyển vào tài khoản là tiền thanh toán hàng lậu. Do đó, CQĐT không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.
Tại phiên tòa xét xử, bà Bùi Thanh Phượng nói bản thân chỉ là người điều hành tiệm vàng Thuận Phát (phố Hàng Dầu, Hà Nội), chủ cửa hàng là người khác. Bà Phượng khai có nhận tiền mặt của Công ty Nhật Cường hoặc thông qua chuyển khoản nhưng không rõ bao nhiêu.
Về lý do nhận tiền của Nhật Cường, bà Phượng khai có khách đến nhờ thu tiền hộ tại Nhật Cường nên tiệm vàng đứng ra giúp; thu xong khách sẽ trực tiếp đến lấy tiền mặt; đầu mối ở Nhật Cường bà liên hệ qua bị cáo Ngọc.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, dữ liệu từ trên hệ thống ERP và lời khai của bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc thể hiện Công ty Nhật Cường đã thông qua 2 tiệm vàng Lộc Phát (phố Hà Trung, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ; và tiệm vàng Thuận Phát (phố Hàng Dầu, Hà Nội) do bà Bùi Thanh Phượng điều hành để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển vào tài khoản tại nước ngoài của các chủ hàng, đường dây vận chuyển. Cụ thể, chuyển hơn 1.729 tỉ đồng qua tiệm vàng Lộc Phát; chuyển hơn 795 tỉ đồng qua tiệm vàng Thuận Phát.
HĐXX cho biết sẽ tiếp tục đề nghị CQĐT làm việc với bà Phượng để làm sáng tỏ nội dung trên.
Cơ quan tố tụng xác định do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, chưa truy bắt được nên chưa đủ cơ sở xác minh làm rõ việc họ chuyển tiền ra nước ngoài. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xử lý sau.