Tổng cục Thống kê: Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm triển vọng rất tươi sáng

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:38, 10/05/2021

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam có triển vọng rất tươi sáng với xu hướng tăng trưởng mạnh.

Triển vọng tươi sáng

Trong những năm qua, ngành sản xuất chế biến thực phẩm Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của cả nước với tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân trong 5 năm 2016-2020 là 7%/năm.

thuc-pham.jpg
Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm triển vọng tươi sáng

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.

Hiện thực phẩm đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7%/năm, trong đó năm 2016 tăng 8,2%; năm 2017 tăng 6%; năm 2018 tăng 8,2%; năm 2019 tăng 7,9%; năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chỉ tăng 4,5%.

Những tháng đầu năm 2021, ngành sản xuất thực phẩm đã thể hiện sự hồi phục rõ rệt khi dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, các lĩnh sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm 4 tháng đầu năm 2021 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; một số sản phẩm tăng khá như: thủy, hải sản chế biến tăng 3,3%; sữa tươi tăng 5,6%; sữa bột tăng 18,1%; thức ăn cho gia súc tăng 9,2%; thức ăn cho thủy sản tăng 3,2%.

Giá trị sản xuất của ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tầm quan trọng của ngành trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ngoài ra, tỷ trọng giá trị sản xuất cao cho thấy ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có nhiều thế mạnh với nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Một số ngành sản xuất và chế biến sữa, đồ uống, dầu ăn, bánh kẹo được dự báo có xu hướng ngày càng tăng trưởng cao và trở thành các phân khúc thị trường chế biến năng suất nhất của Việt Nam.
Đặc biệt, sau khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực, ngành sản xuất chế biến thực phẩm sẽ được mở ra một thị trường tiêu dùng và đầu tư rộng lớn hơn.

Tính đến năm 2020, cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tổng công suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm (Theo Bộ Công Thương).

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm không nhiều (chiếm gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước) nhưng đây lại là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, chiếm khoảng hơn 20% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và sản xuất rau củ quả chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu doanh nghiệp ngành sản xuất chế biến thực phẩm, trong khi đó ngành chế biến thủy sản đông lạnh lại là ngành thu hút nhiều lao động nhất.

Xu hướng M&A tiếp tục tăng

Do có tiềm năng rất lớn nên thị trường ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam có sức hút rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, đã có rất nhiều thương vụ M&A ngành thực phẩm (sáp nhập và mua lại các công ty chế biến thực phẩm) diễn ra và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Điển hình là các thương vụ CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia…

Theo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, thị trường M&A ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam đang khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng bền vững trong những năm trở lại đây. Dự kiến, M&A còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh EVFTA đã đi vào thực thi.

Ngành chế biến thực phẩm được đánh giá là lĩnh vực chịu tác động thấp nhất bởi là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng hàng ngày. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ M&A trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, đồ uống sôi động vì thị trường đang tạo ra sự thuận lợi cho cả phía cung lẫn cầu.

Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng, tạo ra một thị trường tiêu dùng có mức tăng trưởng tự nhiên ổn định, đặc biệt ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

“Đây là lý do khiến nhiều dự báo về các thương vụ M&A trong ngành này sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới mặc dù dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA, CPTPP), điều này mang lại nhiều lợi thế về thị trường cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm phát triển.

Do đó, Tổng cục Thống kê cho rằng để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, cũng như tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Đồng thời, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân – doanh nghiệp sản xuất – nhà quản lý để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định.

Ngoài những thuận lợi, ngành cũng đang đối mặt với những thách thức, đòi hỏi các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp cần cải cách các thủ tục pháp lý, môi trường kinh doanh cũng như các điều kiện sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh, khai thác tiềm năng sẵn có.

Lam Thanh