Vụ Nhật Cường: ‘Hành vi phạm tội lặp lại nhiều lần, có sự câu kết chặt chẽ’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:42, 10/05/2021
Chiều 10.5, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) 14 năm tù về cả 2 tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với các bị cáo phạm tội “Buôn lậu”, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) 13 năm tù; các bị cáo còn lại nhận mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội.
Về trách nhiệm dân sự, theo HĐXX, Bùi Quang Huy phải chịu trách nhiệm chính về số tiền đã thu lợi bất chính nhưng do Bùi Quang Huy và các đồng phạm khác đang bỏ trốn nên HĐXX buộc các bị cáo đang bị xét xử phạm tội “Buôn lậu” phải liên đới nộp lại số tiền thu lợi bất chính tùy theo phần lỗi…
HĐXX kiến nghị CQĐT khẩn trương tiến hành điều tra, truy bắt những kẻ đang bỏ trốn, đặc biệt là Bùi Quang Huy để đưa ra xử lý theo đúng quy định của pháp luật…
Chuỗi mắt xích chặt chẽ
Căn cứ vào các lời khai của các bị cáo, những người liên quan, những tài liệu chứng cứ, chứng minh khác có trong vụ án, HĐXX nhận thấy quá trình kinh doanh của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) đã thực hiện việc buôn lậu hàng hóa, thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc) để phục vụ cho việc vận chuyển hàng lậu.
Cụ thể, Bùi Quang Huy đã thuê nhiều đường dây vận chuyển hơn 250.000 sản phẩm lậu (di động các loại, máy tính, máy nghe nhạc...) từ nước ngoài qua đường biển, đường hàng không về Việt Nam tiêu thụ.
Bùi Quang Huy trực tiếp tạo lập các “nhóm chat” để thực hiện việc giao dịch mua bán hàng hóa với 16 nhà cung cấp và trao đổi thống nhất với 9 đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ nước ngoài về Việt Nam, giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ. Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã tiêu thụ được 255.000 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỉ đồng.
Về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, từ năm 2014, Bùi Quang Huy chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính) và Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) của Công ty Nhật Cường, sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA.
Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập… chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.
Hành vi lập 2 hệ thống sổ sách kế toán đã bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản, nguồn vốn hoạt động thực tế của công ty. Ngoài ra, theo HĐXX, hành vi sử dụng 2 hệ thống sổ kế toán còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.
Đối với hành vi này, HĐXX nhận định bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng là những người làm việc lâu năm tại công ty, có kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động kế toán, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc là người kiểm soát dòng tiền của công ty, bị cáo phải biết rõ những nội dung này. Căn cứ vào dữ liệu trích suất từ hệ thống ERP đã đủ cơ sở để xác minh số lượng hàng hóa mà các bị cáo buôn lậu là hoàn toàn chính xác.
Theo HĐXX, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong công ty và những bị cáo trong đường dây vận chuyển, tạo ra những mắt xích quan trọng. HĐXX khẳng định Bùi Quang Huy là người chỉ đạo các bị cáo còn lại thực hiện hành vi phạm tội; những bị cáo còn lại đóng vai trò là người giao dịch, người vận chuyển, đồng phạm giúp sức.
Để thực hiện hành vi nêu trên, các bị cáo liên lạc thông qua các mạng xã hội, dù tham gia sau hay tham gia từ đầu thì hành vi của các bị cáo đã được lặp lại nhiều lần trong thời gian dài; hành vi của các bị cáo là chuỗi các mắt xích liên kết chặt chẽ từ người lãnh đạo đề ra chủ trương cho tới người thực hiện.
Ghi nhận thái độ tích cực của một số bị cáo
Theo HĐXX, Bùi Quang Huy là người chủ mưu, cầm đầu; bị cáo Trần Ngọc Ánh là người thực hành tích cực nhất nên phải chịu trách nhiệm hình sự sau Bùi Quang Huy. Các bị cáo còn lại đóng vai trò là đồng phạm giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện việc buôn lậu…
Hành vi buôn lậu của các bị cáo phạm tội trong thời gian kéo dài, căn cứ vào các quy định của pháp luật thì HĐXX nhận định hành vi nêu trên của các bị cáo có vai trò đồng phạm với tình tiết tăng nặng định khung.
Đánh giá vai trò cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo, HĐXX nhận thấy hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự trị an, gây rối loạn thị trường, gây bất bình trong quần chúng nhân dân… Các bị cáo phạm tội có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên nên thuộc trường hợp tăng nặng.
Tuy nhiên, quá trình điều tra và khái báo tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy đa số các bị cáo đều khai nhận thành khẩn hành vi phạm tội, ăn năn hối cải nên. Đặc biệt, HĐXX ghi nhận thái độ, nhận thức tích cực của các bị cáo Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc, Nguyễn Thị Bích Hằng, Nông Văn Lư… nên quyết định áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.