Trung Quốc yêu cầu hủy cuộc họp LHQ về Tân Cương
Quốc tế - Ngày đăng : 09:30, 11/05/2021
Hội nghị trực tuyến về Tân Cương dự kiến diễn ra vào ngày 12.5 dựa trên sự dối trá tuyệt đối và thành kiến chính trị", hãng tin Channel News Asia hôm 11.5 dẫn tuyên bố của phái bộ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ).
"Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ ngay lập tức sự kiện can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và kêu gọi các quốc gia thành viên khác từ chối sự kiện này.
Tình hình hiện tại ở Tân Cương là tốt nhất trong lịch sử với sự ổn định, phát triển kinh tế nhanh chóng và sự chung sống hài hòa giữa người dân các dân tộc", tuyên bố cho biết.
Theo phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại LHQ, "phía Mỹ tuyên bố quan tâm đến nhân quyền của người Hồi giáo nhưng sự thật được thế giới biết đến là họ đã sát hại người Hồi giáo ở Afghanistan, Iraq và Syria".
"Chính Mỹ và các tín đồ của họ đã cướp đi nhiều nhất sinh mạng của những người theo đạo Hồi trên thế giới", tuyên bố của phái bộ Trung Quốc nhấn mạnh.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 10.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: "Mỹ đã liên kết với một số quốc gia, lạm dụng nguồn lực và nền tảng LHQ, bôi nhọ và tấn công Trung Quốc vì lợi ích riêng. Đây hoàn toàn là sự xúc phạm đối với LHQ".
Bà Hoa Xuân Oánh gọi hội nghị về Tân Cương là một sự "sỉ nhục" và "báng bổ" đối với Liên Hiệp Quốc. Quan chức ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ và phương Tây sử dụng "các vấn đề nhân quyền như một công cụ chính trị để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".
Được biết, Đức, Mỹ và Anh đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị trực tuyến về tình hình người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số khác ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc vào ngày 12.5.
Cụ thể, các đại sứ Mỹ, Đức và Anh sẽ tham dự sự kiện trực tuyến của Liên Hợp Quốc cùng với Giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Ken Roth và Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế - Agnes Callamard.
Mục đích của sự kiện này nhằm "thảo luận về cách hệ thống LHQ, các quốc gia thành viên và xã hội dân sự có thể hỗ trợ và vận động cho nhân quyền của các thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương".
Quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây căng thẳng trong thời gian qua vì vấn đề Tân Cương.
Các nhóm nhân quyền của LHQ ước tính có tới hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây còn cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản trong các trại tập trung.
Đáng chú ý, Mỹ đã nhiều sử dụng ngôn từ đặc biệt mạnh mẽ khi cáo buộc Bắc Kinh phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người. Hồi tháng 1, Washington đã cấm nhập khẩu các sản phẩm từ bông và cà chua từ Tân Cương vì cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Canada hồi tháng 3 cũng đã áp lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc đương nhiệm và về hưu từng phụ trách khu vực Tân Cương. Những người này bị cáo buộc có liên quan tới các chương trình "triệt sản có hệ thống" người Duy Ngô Nhĩ.
Về phần mình, Bắc Kinh liên tục phủ nhận những cáo buộc, đồng thời khẳng định các trại giam quy mô lớn tại Tân Cương chỉ là “các trung tâm giáo dục” hoàn toàn tự nguyện, và thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp quốc tế.