BioNTech xây nhà máy vắc xin tại Singapore

Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:30, 11/05/2021

Công ty công nghệ sinh học BioNTech - đơn vị hợp tác hãng dược Mỹ Pfizer phát triển vắc xin COVID-19 - ngày 10.5 công bố kế hoạch lập văn phòng khu vực cùng một cơ sở sản xuất tại Singapore.

Cơ sở mới sẽ sản xuất các sản phẩm dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) nhằm giúp Đông Nam Á phản ứng nhanh trước nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn, theo BioNTech.

Kế hoạch nếu được phê duyệt sẽ khởi động xây dựng ngay trong năm nay, sớm nhất là năm 2023 có thể đi vào hoạt động và tạo ra 80 việc làm. BioNTech đảm bảo trang bị cho cơ sở mới hạ tầng kỹ thuật số và sản xuất tiên tiến, tự động hóa cao đủ sức thực hiện toàn bộ quy trình cho ra đời các sản phẩm mRNA (chế tạo dược chất, ra dược phẩm, đóng gói). Công suất hằng năm ước tính vào khoảng vài trăm triệu liều tùy sản phẩm cụ thể.

Nói về lý do chọn Singapore, Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin đánh giá đảo quốc sư tử có môi trường kinh doanh tuyệt vời với ngành công nghệ sinh học đang phát triển, nhiều nhân tài. Thiết lập nhiều đơn vị trong mạng lưới sản xuất là bước đi chiến lược giúp công ty mở rộng tầm hoạt động toàn cầu.

its-inoculation-campaign-at-tokyo-medical-center-in-tokyo-1.jpg
Cơ sở sản xuất của BioNTech sẽ giúp Đông Nam Á tăng cường năng lực đối phó dịch bệnh trong tương lai - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Thương mại Singapore Trần Chấn Thanh nhận xét kế hoạch của BioNTech góp phần thúc đẩy hệ sinh thái dược phẩm sinh học của nước này.

“Tương lai sẽ có vi rút hơn mới, chúng ta cần một mối quan hệ đối tác nghiên cứu& phát triển (R&D) mạnh mẽ giúp đảm bảo phát triển sản phẩm kịp thời phục vụ cho thị trường địa phương lẫn khu vực”, Bộ trưởng Trần phát biểu.

Vắc xin COVID-19 hợp tác phát triển bởi BioNTech và Pfizer là một trong nhiều loại sản phẩm sử dụng công nghệ mRNA. Loại này được sản xuất nhanh hơn vắc xin truyền thống, hiệu quả hơn trong chống lại mầm bệnh đột biến nhanh như vi rút corona.

BioNTech không nói rõ liệu cơ sở tại Singapore có sản xuất vắc xin COVID-19 hay không. Hiện phần lớn vắc xin của BioNTech/ Pfizer đều nằm trong tay những nước giàu có.

Cẩm Bình