Các công ty thịt nhân tạo nước ngoài đang ngày càng thu hút sự đầu tư

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:24, 12/05/2021

Kinh phí đầu tư đã tăng vọt vào năm 2020, trong khi nghiên cứu cho thấy 80% nhân loại sẵn sàng ăn thứ thịt được 'nuôi' trong các lò phản ứng sinh học.
5662.jpg
Một chiếc bánh mì kẹp thịt gà nhân tạo. Những sản phẩm thịt nhân tạo được sản xuất trong các cơ sở vô trùng không có kháng sinh, do đó làm giảm nguy cơ gây hại đối với sức khỏe con người do chất kháng kháng sinh

Ngành công nghiệp non trẻ, với công việc "nuôi" thịt trong lò phản ứng sinh học đã có một năm kỷ lục vào năm 2020, với đầu tư tăng gấp 6 lần và hàng chục công ty mới đã được thành lập.

Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 80% người ở Anh và Mỹ sẵn sàng ăn thứ thịt được sản xuất trong nhà máy sinh học hơn là động vật được nuôi ngoài đồng. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng thịt nhân tạo có khả năng được công chúng chấp nhận rộng rãi.

Thịt nhân tạo tạo ra lượng khí thải gây ấm lên toàn cầu thấp hơn đáng kể so với thịt của gia súc và các vật nuôi khác, đồng thời cũng cần ít đất và nước hơn nhiều lần. Việc cắt giảm sự tiêu thụ quá mức đối với thịt động vật ngày nay ở các nước đã phát triển được coi là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nhiều công ty đang phát triển các loại thịt thường được ăn, chẳng hạn như thịt gà và thịt bò, ngoài ra còn có cá ngừ, tôm hùm, ngựa và kangaroo. Các sản phẩm thịt này được sản xuất trong cơ sở vô trùng không sử dụng kháng sinh, do đó làm giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người do chất kháng kháng sinh.

Good Food Institute (GFI), một tổ chức từ thiện tập trung vào tìm kiếm giải pháp thay thế cho thịt động vật, đã cho biết trong báo cáo hằng năm của mình rằng các công ty thịt nhân tạo đã nhận được hơn 300 triệu euro đầu tư trong năm 2020 và số lượng các công ty lĩnh vực này đã tăng 43%, lên 76 công ty.

Họ cũng cho biết một số công ty đã chuyển ra khỏi phòng thí nghiệm và chuyển sang các cơ sở có khả năng sản xuất hàng nghìn ký thịt mỗi năm. Những công ty này gồm cả công ty Mosa Meat ở Hà Lan, nơi đã sản xuất ra chiếc bánh mì kẹp thịt bò đầu tiên được nuôi trong phòng thí nghiệm vào năm 2013.

“Những động thái ban đầu được thúc đẩy bởi lời hứa về thịt nhân tạo, đó là loại thịt chỉ có một phần nhỏ tác động xấu đến khí hậu và không dẫn đến việc kháng kháng sinh hay nguy cơ xảy ra đại dịch, nhưng không ai biết liệu thế giới đã sẵn sàng hay chưa. Nhưng giờ đây chúng tôi đã biết”, Bruce Friedrich, Giám đốc điều hành của GFI cho biết.

2976.jpg
Chăn nuôi bò ở Normandy, Pháp. Một báo cáo gần đây cho thấy châu Âu và Bắc Mỹ có thể đạt đến 'cơn sốt thịt' vào năm 2025 nhờ vào thịt dựa trên thực vật

Thịt dựa trên thực vật, chẳng hạn như của Công ty Beyond Meat, đã đến được với thị trường đại chúng, trong khi thịt nhân tạo sẽ không đến được tay người tiêu dùng trong ít nhất một vài năm. Tuy nhiên, những người ủng hộ thịt làm từ tế bào tin rằng hương vị đích thực sẽ mang lại lợi thế cho nó. Các công ty thịt thông thường lớn nhất thế giới, chẳng hạn như Tyson và Cargill, là những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này.

Thịt nhân tạo đã được chấp thuận đem bán lần đầu tiên vào tháng 11.2020 tại Singapore. Một báo cáo gần đây cho thấy thịt như vậy vẫn sẽ đắt hơn thịt thông thường cho đến đầu những năm 2030, nhưng châu Âu và Bắc Mỹ có thể đạt đến “cơn sốt thịt” vào năm 2025 nhờ vào thịt dựa trên thực vật. Một phân tích vào năm 2019 cho thấy phần lớn lượng thịt sẽ không đến từ động vật bị giết mổ vào năm 2040.

Acacia Smith, một nhà quản lý chính sách tại GFI Europe, cho biết: “Ngành thịt nhân tạo đã có một năm kỷ lục vào năm 2020. Nhưng đáng chú ý là phần lớn tiến bộ này đang diễn ra bên ngoài châu Âu. Để có cơ hội đạt được các mục tiêu về khí hậu và chấm dứt nạn phá rừng, các chính phủ phải đầu tư vào nghiên cứu tiếp cận mở mà chúng ta cần để làm cho thịt nhân tạo được dễ tiếp cận và có giá cả phải chăng”.

Nghiên cứu về thái độ đối với thịt nhân tạo được công bố trên tạp chí Foods và xem xét quan điểm của 4.000 người tiêu dùng đại diện (một nửa ở Anh và một nửa ở Mỹ), các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi nhận thấy mức độ cởi mở cao, 80%, ở cả dân số Mỹ và Anh, với 40% khả năng cao sẽ thử và 40% sẽ thử ở mức độ tương đối hoặc vừa phải".

Các thế hệ trẻ có thái độ cởi mở nhất. Hơn 85% những người dưới 39 tuổi cho biết họ sẽ ăn thử thịt nhân tạo. Khoảng 75% những người ở các nhóm tuổi lớn hơn cũng nói như vậy. Trung bình, mọi người cho biết họ kỳ vọng rằng thịt nhân tạo có thể chiếm khoảng 40% lượng thịt tiêu thụ trong tương lai của họ.

Keri Szejda tại Đại học Arizona (Mỹ) cho biết: “Các kết quả cho thấy thịt nhân tạo có khả năng được chấp nhận rộng rãi bởi công chúng, đặc biệt là các thế hệ trẻ đang đánh giá cao lợi ích của nó. Những nhóm này có xu hướng không cần phải khuyên nhủ để thử những cải tiến mới trong thực phẩm”.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Aleph Farms, một công ty của Israel đã tiết lộ món bít tết được làm ra trong phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới vào tháng 12.2018. Didier Toubia, Giám đốc điều hành cho biết: “Tầm nhìn dài hạn là cung cấp một giải pháp thay thế tốt hơn cho chăn nuôi công nghiệp, hiện đang chiếm khoảng 70% sản lượng thịt toàn cầu”.

Báo cáo của GFI cho biết những đột phá công nghệ cơ bản là không cần thiết để sản xuất đại trà thịt nhân tạo, nhưng những thách thức về kỹ thuật là vẫn còn để tiếp tục giảm chi phí.

Đầu tháng 5, Công ty Future Meat của Israel cho biết họ đã giảm được một nửa chi phí sản xuất ức gà nhân tạo của mình trong 4 tháng qua, từ 7,50 USD xuống còn 4 USD. Công ty dự kiến ​​chi phí sẽ giảm xuống dưới 2 USD trong vòng 18 tháng.

Hoàng Phương