Sóc Trăng: Quản lý chặt vùng nuôi chim yến

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:55, 23/05/2020

Sóc Trăng là địa phương có 72km bờ biển và có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi chim yến ở tỉnh này đang có nhiều vấn đề cần được giải quyết…
Một nhà nuôi yến ở Sóc Trăng- Ảnh: Vũ Phong

Hiện nay nhiều nhà nuôi yến được xây dựng ở khu dân cư, khu vực đô thị, chưa phù hợp với quy định và điều kiện vệ sinh thú y cũng như quy hoạch chăn nuôi, dẫn đến mất cân bằng giữa tốc độ tăng nhà yến và tốc độ tăng trưởng đàn chim yến. Nhiều người nuôi yến chưa nắm bắt được quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi chim yến, đầu tư xây nhà nuôi yến ở những vị trí không thuận lợi cho sự sinh tồn, phát triển của chim yến nên hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra còn có những tác động xấu đến môi trường, quản lý thú y…

Theo số liệu trước năm 2010, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có 4-5 nhà nuôi yến thì đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 448 hộ, với 482 nhà yến. Trước sự phát triển mang tính tự phát này thì việc ban hành văn bản pháp luật quy hoạch rõ vùng nuôi cụ thể để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn cũng như những nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra là rất cần thiết.

Sóc Trăng đã xây dựng đề án phát triển vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó góp phần quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chim yến, một số bệnh có thể lây sang người (H5N1), tiến tới chấm dứt tình trạng phát triển nhà nuôi yến tự phát trong khu vực nội thành, đô thị.

Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã có dự thảo nghị quyết ban hành quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong đó quy định rõ: Vùng không được nuôi chim yến bao gồm toàn bộ diện tích các phường 1, 2, 3 và 6 (TP.Sóc Trăng); toàn bộ diện tích các phường 1, 2, Vĩnh Phước, Khánh Hòa (TX.Vĩnh Châu); toàn bộ diện tích các phường 1, 2 và 3 (TX. Ngã Năm), khu vực thị trấn (đối với các huyện).

Đối với các tuyến quốc lộ, việc cấp phép xây dựng nhà yến phải đảm bảo các điều kiện quy định của Chính phủ về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Riêng các khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, khu công nghiệp, khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt thực hiện theo điều 5 Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 10.11.2019 của Bộ NN-PTNT.

Ngoài các khu vực nêu trên thì các vùng khác được nuôi chim yến, nhưng phải đảm bảo thực hiện tốt các thủ tục về xây dựng, về môi trường và phòng chống dịch bệnh. Ưu tiên phát triển mô hình tại các vùng nông thôn nơi có bầy chim yến đang phát triển; khu vực ven sông, nhưng phải đảm bảo không được bố trí trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định tại Nghị định 43/2015/NĐ-CP ngày 6.5.2015 của Chính phủ.

Dự thảo nghị quyết này cũng nêu rõ, đối với các tổ chức, cá nhân không được cơi nới, mở rộng, nâng tầng nhà ở để làm nơi nuôi chim yến khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Thiết bị để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không được vượt quá 70 dBA.

Thời gian phát loa dẫn dụ chim hằng ngày từ 5 - 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày. Những nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 mét không được sử dụng loa phóng thanh phát âm thanh.

Trước đó, ngày 12.10.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động nuôi chim yến tại các đô thị. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách các nhà yến đang tồn tại, kể cả đang xây dựng. Có biện pháp chỉ đạo, không để phát sinh mới nhà yến trên địa bàn phường, thị trấn.

“Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để phát sinh mới nhà yến trên địa bàn mình quản lý”, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Sóc Trăng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương. Đối với những nhà yến đang hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về cấp phép xây dựng, cam kết bảo vệ môi trường.

Vũ Phong