Nghị sĩ Mỹ yêu cầu CEO Apple phản hồi về cáo buộc 7 đối tác cưỡng bức lao động Duy Ngô Nhĩ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:50, 12/05/2021
Một bài viết gây xôn xao từ The Information hôm 10.5 đã tiết lộ mối quan hệ tiềm tàng giữa các nhà cung cấp của Apple và các chương trình cưỡng bức lao động bị nghi ngờ là một phần cuộc diệt chủng mà Trung Quốc thực hiện với người Duy Ngô Nhĩ.
Một cuộc điều tra do các nhóm nhân quyền tiến hành dường như đã tiết lộ bằng chứng chống lại 7 công ty Trung Quốc gồm Advanced-Connectek, Luxshare Precision Industry, Shenzhen Deren Electronic Co, Avary Holding, AcBel Polytech, CN Innovations và Suzhou Dongshan Precision Manufacturing Co. Mỗi công ty trong số đó đều cung cấp các linh kiện và dịch vụ cho Apple.
Đáng chú ý, Tim Cook đã giới thiệu các hoạt động của Lens, O-Film và Luxshare, ba công ty mà ông đã đích thân đến thăm trong chuyến đi đến Trung Quốc năm 2017.
Hạ nghị sĩ Ken Buck trong một bức thư gửi Tim Cook hôm 11.5 đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về báo cáo này. Ken Buck viện dẫn những tuyên bố của Tim Cook từ phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào tháng 7.2020, khi Giám đốc điều hành Apple gọi cưỡng bức lao động là "đáng ghê tởm" và điều mà hãng này "sẽ không khoan nhượng". Vào thời điểm đó, O-Film, nhà cung cấp camera phía trước cho iPhone của Apple, đang bị giám sát vì cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Ken Buck ca ngợi Apple vì đã loại bỏ O-Film khỏi chuỗi cung ứng của họ, nhưng lại cảnh cáo Tim Cook về những cáo buộc mới xuất hiện gần đây.
Trong lá thư, Ken Buck yêu cầu Tim Cook làm rõ mối quan hệ của Apple với từng công ty được liệt kê trong báo cáo hôm 10.5 và cung cấp tài liệu liên quan đến các cuộc điều tra nội bộ về cưỡng bức lao động hoặc lạm dụng nhân quyền liên quan đến các công ty nói trên.
Ken Buck cũng yêu cầu "mô tả kỹ lưỡng" về quy trình mà Apple thực hiện để đảm bảo các nhà cung cấp không bóc lột người lao động. Ken Buck cũng muốn biết Apple dự định ngăn chặn vi phạm liên quan đến nhân quyền ra khỏi chuỗi cung ứng của mình như thế nào.
Tim Cook được đề nghị viết thư trả lời trước ngày 15.6.
Sự phụ thuộc của Apple vào sản xuất tại Trung Quốc đã là chủ đề tranh luận trong hơn một thập kỷ qua. Chủ đề này nổi lên vào năm 2010 khi một loạt các vụ tự tử của công nhân tại các nhà máy thuộc sở hữu của Foxconn (đối tác hàng đầu của Apple) làm dấy lên tin đồn bất lợi về các xưởng sản xuất iPhone.
Apple đã nhiều lần cam kết chấm dứt tình trạng lạm dụng nhân quyền, bao gồm lao động trẻ em, điều kiện sống và làm việc kém, buộc phải làm thêm giờ... tại các cơ sở do doanh nghiệp Trung Quốc điều hành. Để đạt được mục tiêu đó, công ty Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp tuân thủ quy tắc ứng xử nghiêm ngặt, tài trợ cho các cuộc kiểm tra thường xuyên với các đối tác của mình và phát hành báo cáo trách nhiệm nhà cung cấp hàng năm. Apple cũng cung cấp một loạt các chương trình giáo dục và bồi dưỡng cho nhân viên của nhà cung cấp.
Trước báo cáo của The Information, vào tháng 12.2020, Apple đã bị cáo buộc để xảy ra vi phạm nhân quyền tại các cơ sở do các đối tác chính điều hành, gồm Foxconn, Pegatron và Quanta.