TP.HCM: Tội phạm gia tăng do tình trạng thất nghiệp giữa dịch COVID-19
Sự kiện - Ngày đăng : 15:47, 12/05/2021
Sáng 12.5, Ủy ban MTTQ quận 1, TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 nhiệm kỳ 2021-2026 đơn vị bầu cử số 2 tại quận 1.
Tại hội tiếp xúc, cử tri quận 1 bày tỏ quan tâm đến phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, đặc biệt là vấn đề chống tội phạm để giữ bình yên cho người dân.
Chia sẻ với cử tri về vấn đề này, ứng cử viên Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng thời gian qua đại dịch COVID-19 đã tác động làm thay đổi nhiều mặt, trong đó có an ninh trật tự. Tội phạm gia tăng vì gia tăng thất nghiệp, đời sống khó khăn. Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết thời gian qua, Công an thành phố đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng với nhiều vụ án hình sự do thất nghiệp mà bộc phát phạm tội.
"TP.HCM đang tập trung xây dựng thành phố đáng sống và văn minh thì kỷ cương kỷ luật phải đặt lên hàng đầu, tiêu chí an ninh trật tự cũng phải đặt lên hàng đầu" – ông Nguyễn Sỹ Quang nói và cho biết cần phải có giải pháp để kéo giảm tội phạm.
Ông cũng cho rằng, năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp mà TP.HCM kéo giảm tội phạm, tuy nhiên so với thực tiễn đòi hỏi thì vẫn chưa đạt được, nhất là những loại tội phạm gây bức xúc trong nhân dân như cướp giật, cướp, trộm cắp (chiếm tỷ lệ gần 80% tội phạm).
“Phải tập trung đánh mạnh vào ba loại tội phạm này (cướp giật, cướp, trộm cắp) thì mới kéo giảm được tội phạm. Giải pháp quan trọng là phòng ngừa, giải quyết các vấn đề xã hội như hạn chế thất nghiệp”, ông Quang cam kết.
Về tội phạm trên không gian mạng, ông Nguyễn Sỹ Quang thừa nhận tình trạng trên đang gia tăng, đặc biệt là tội lừa đảo qua mạng, tấn công các trang web của doanh nghiệp và cá nhân, trộm cắp thông tin người dùng để lừa đảo.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng điều này đặt ra câu hỏi về công tác tuyên truyền nâng cao cảnh chưa đủ trong khi người dân lại chưa thực sự quan tâm đến việc đề cao cảnh giác tội phạm lừa đảo trên mạng.
Một nguyên nhân khác là do một số người dân hạn chế về hiểu biết, tội phạm đánh vào lòng tham nên bị mất cảnh giác. Một số đối tượng giả danh công an, kiểm soát, thuế vụ… điện thoại yêu cầu chuyển tiền thì một số người cũng hoảng hốt và chuyển tiền. "Không bao giờ cơ quan công an, cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng làm việc với người dân qua điện thoại" – đại tá Nguyễn Sỹ Quang khẳng định và nói bà con hãy cảnh giác, tỉnh táo với nội dung những cuộc gọi như vậy.
Các công ty, doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh nhưng vẫn coi nhẹ việc bảo mật thông tin nội bộ. “Vừa qua, Công an TP.HCM đã xử lý một đối tượng chỉ là một em học sinh lớp 11, nhưng lại sở hữu hơn 1 triệu module - các máy trạm liên tục tấn công bất kỳ trang website nào” – ông Quang nói.
Chính vì vậy, ông đề nghị người dân nâng cao cảnh giác đối với tội phạm lừa đảo trên mạng. Ông cho biết, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng Nghị định về bảo vệ thông tin người dùng. Công an TP.HCM cũng lập Phòng an ninh mạng đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao.
Đơn vị bầu cử số 2 gồm 5 ứng cử viên: bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Quận ủy quận 1; đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM; ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM; ông Đỗ Đức Hiển, Vụ Trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp và bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.