Cà Mau: Kỳ lạ cây nấm linh chi có 4 tầng, 9 lá tại ngôi chùa
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:14, 18/05/2020
Kỳ lạ cây nấm lớn nhanh như thổi
Theo tìm hiểu của PV, cây nấm lạ này được mọc ra vào đúng ngày rằm tháng 3 âm lịch vừa qua. Sau hơn 1 tháng ra đời, cây nấm lớn rất nhanh và hiện không còn lớn thêm được nữa. Sau khi có nhiều người hiếu kỳ đến chiêm ngưỡng, phần thì nhà chùa lo sợ nhiều khách đụng vào sẽ làm gãy cây nấm quý, phần thì sợ bị dơi ăn mất, nên nhà chùa đã dùng dây chì lưới để bao bọc xung quanh, gìn giữ cây nấm.
Sư thầy Thích Thông An, quản lý Thiền viện Trúc Lâm Cà Mau, vẫn chưa hết ngỡ ngàng: “Nó lớn nhanh lắm, tôi giật mình luôn. Hôm đó là ngày rằm tháng 3 âm lịch, ở đây có khoảng 10 người bưng bê thức ăn dâng cúng, tụng kinh suốt cả buổi nhưng không ai thấy cây nấm, bởi nó chưa mọc thì làm gì thấy được.
Cây nấm hiện có dấu hiệu rũ xuống, sắp chết - Ảnh: Khải Trần
Đến khoảng gần 19 giờ cùng ngày, khi đã tụng kinh xong, mọi người bắt đầu dọn dẹp thì mới phát hiện cây nấm mọc. Lúc đó, mới mọc nhưng nó lớn nhanh lắm, bằng cái miệng ly uống trà lận đó, lạ vậy đó. Chỉ trong tích tắc buổi tối mà nó lớn vậy, chớ bình thường là phải mọc mầm, rồi phát triển từ từ chứ”.
Sư thầy Thông An vệ sinh cho cây nấm quý - Ảnh: Khải Trần
Ghi nhận của chúng tôi, cây nấm này to hơn bàn tay người trưởng thành, tổng cộng có 9 lá và chia làm 4 tầng, trông rất thu hút nhãn quan người xem. Trong đó, tầng thứ nhất có 3 lá, tầng thứ 2 có 2 lá, tầng thứ 3 có 3 lá và tầng trên cùng có 1 lá. Một điều kỳ lạ là vào buổi chiều, cây nấm này lại bốc ra một làn khói trắng mờ ảo. Từ đó, có nhiều phật tử đến đây trông thấy, rồi thêu dệt lên chuyện viễn vông. Họ cho rằng, nếu ai có bệnh tật gì, chỉ cần đến ngửi làn khói bốc ra từ cây nấm là sẽ khỏi bệnh. Xuất phát từ tin đồn, nên đã có không ít người tìm đến đây để trị bệnh.
Nói về thông tin ngửi khói cây nấm tỏa ra sẽ chữa được bách bệnh, thì thầy Thông An nói là không có cơ sở để khẳng định và ông cho rằng đó chỉ là tin đồn của những người mê tín. “Tôi ở đây giữ chùa, nhưng chưa từng nghe nói đến chuyện không tưởng đó. Làm gì có việc chữa được bách bệnh, không có cơ sở đâu. Chắc có phật tử nào đó suy nghĩ như vậy, rồi thêu dệt, truyền miệng nhau thôi”, sư thầy Thông An cho hay.
Cây nấm đã thu hút nhiều PV báo chí đến tìm hiểu - Ảnh: Khải Trần
Sư thầy Thông An còn nói rằng, ban đầu cây nấm mọc ra có màu vàng rực, rất đẹp. Cũng theo người quản lý ngôi chùa, thì trước đây, tại nơi này đã từng có 1 cây nấm tương tự như vậy. “Cứ đến chiều là cây nấm đó tỏa ra làn khói trắng mờ, bây giờ cây này cũng vậy đó. Có người nói chắc cây thiếu nước, nên tôi có phun sương nhằm giúp cho cây nấm sống lâu hơn. Ai ngờ, phun được 2 - 3 ngày thì nó rụng luôn. Đó là tự nhiên chớ không phải do thiếu nước. Bởi thế bây giờ, rút kinh nghiệm lần trước nên tôi cứ để vậy, chứ không có phun xịt gì”, vị sư thầy cho biết.
Bị ẩm mốc, sắp chết
Chia sẻ với PV, sư thầy Thích Thông An nói, ông đã tham khảo những chuyên gia có kinh nghiệm về nấm, thì các chuyên gia đều khẳng định, cây nấm lạ mọc ra từ cột gỗ lim trong ngôi chùa chính là cây nấm linh chi.
Vị sư thầy thông tin: “Cây nấm linh chi thường mọc chỉ có 1 lá duy nhất thôi, mà cái này nó mọc tới 4 tầng, có 9 lá luôn”. Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại ở khu vực phía sau ngôi chùa này, cũng xuất hiện 1 cây nấm linh chi khác, cũng được mọc lên từ gỗ lim. Tuy nhiên, cây nấm này chỉ có 1 lá và vừa mọc được khoảng 1 tuần nay, nhưng không lớn bằng cây nấm 4 tầng ở giữa chánh điện.
Vì sợ người chạm vào và bị dơi ăn nên nhà chùa đã dùng kẽm lưới che chắn - Ảnh: Khải Trần
Sư thầy Thông An chia sẻ rằng, khi cây nấm rụng xuống thì ông sẽ cất giữ để làm kỷ niệm chứ không có mục đích gì khác. “Về yếu tố tâm linh thì tôi không biết, chỉ thấy nó mọc ra nhìn bắt mắt, là lạ thì tôi bảo vệ nó thôi. Cây nấm trước kia có 2 lá, hiện tôi còn cất giữ cho tới giờ. Giá trị của loại nấm này tôi cũng có nghe nói, nhưng tôi không quan tâm. Nấm linh chi này khác với nấm linh chi Hàn Quốc ở chỗ là phía dưới của cây nấm Hàn Quốc có màu vàng, còn phía trên thì có màu đỏ sậm. Còn phần trên cây nấm này lại có màu trắng”, sư Thông An chỉ ra sự khác lạ của cây nấm quý.
Sư thầy Thông An chia sẻ về cây nấm với báo chí - Ảnh: Khải Trần
Được biết, cây nấm hiện đã xuất hiện nhiềm đốm đen, do bị ẩm mốc và héo dần. Nói về nguyên nhân cây nấm có dấu hiệu sắp chết, thì sư thầy Thông An nói rằng, đó là do nhiều phật tử là phái nữ dùng tay đưa qua rào lưới để chạm vào cây nấm nên mới xảy ra tình trạng trên.
“Tôi đã lo sợ rồi đó, nên mới đóng lưới dây chỉ rào lại để bảo vệ cây, nhưng không tránh khỏi. Chắc họ muốn chạm vào để trị bệnh, có nhiều người tâm linh mà. Nhưng không lẽ người ta lại, mình cứ đứng giữ cây nấm để ngăn không cho họ chạm vào thì không hay”.
Theo 1 người khách đến chùa cho biết: “Tôi nghe ở chùa có cây nấm lạ mọc ra, thấy hiếu kỳ nên vội vàng đến xem. Ban đầu tôi tưởng cây nấm mọc ra từ cột bê tông thì đúng là lạ thật. Nhưng nó mọc ra từ cột gỗ thì cũng là điều dễ hiểu thôi. Thân cây ẩm mốc, chỉ cần có vài giọt nước vào là nấm mọc ra thôi. Còn chuyện nấm mọc ra ở trong chùa có người mê tín, đồn thổi viễn vông là không nên, vì không có cơ sở để căn cứ”.
Phía sau ngôi chùa cũng vừa xuất hiện một cây nấm mới - Ảnh: Khải Trần
Sư thầy Thông An khẳng định, sau sự việc này, ông sẽ thông tin lại với phật tử để có cái nhìn khách quan hơn. Không để những lời đồn tiếp tục lan truyền ngày một nhiều, rồi người dân nhiều nơi hiểu nhầm, lặn lội tìm đến thì sẽ không hay. Khi đó, tình hình an ninh trật tự ở địa phương sẽ rất phức tạp.
Thiền viện Trúc Lâm Cà Mau - nơi xuất hiện cây nấm linh tri 4 tầng, 9 lá - Ảnh: Khải Trần
Nấm linh chi là một loại thảo dược quý, nấm có nhiều hình dạng khác biệt như hình quả thận, sừng hươu… Nấm linh chi có 6 loại gồm: Linh chi đỏ, linh chi xanh, linh chi vàng, linh chi đen, linh chi trắng và linh chi tím. Trong 6 loại nấm linh chi kể trên thì nấm linh chi đỏ được xem là loại thuốc có công dụng trị liệu tốt nhất và được sử dụng phổ biến rộng rãi nhất trên thế giới. Nấm Linh chi đỏ rất tốt cho sức khỏe, bởi nó có tác dụng thúc đẩy sự làm việc của hệ thống miễn dịch, tăng cường sự hoạt động của cơ thể và chống lão hóa.
Khải Trần