Người nuôi yến bức xúc vì đàn chim bị săn bắt ồ ạt
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:14, 02/05/2020
Thiệt hại tiền tỉ vì mất chim yến
Hồi tháng 4 vừa qua, ông Huỳnh Văn Thường, chủ nhà nuôi chim yến ở xã Trung An (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết năm 2019 ông mất trắng hơn 1 tỉ đồng vì khoảng một nửa bầy chim bỗng dưng biến mất. Ông Thường kể ông xây nhà nuôi chim yến từ năm 2013, đến khoảng năm 2016 - 2018 thì chim yến bên ngoài tự nhiên kéo về trú ngụ rất nhiều, sinh sôi đông đúc.
“Buổi sáng sớm chim rời tổ bay đi kiếm ăn và buổi chiều gần sụp tối chim bay về nhà ngủ kín đặc cả khoảng trời, kêu ríu rít rất vui. Vào thời điểm bầy chim đông đúc, mỗi năm tôi thu được hơn 100kg tổ yến. Nếu tổ yến chưa chế biến, bán với giá hơn 20 triệu đồng/kg, còn tổ đã làm sạch bán hơn 30 triệu đồng/kg. Vậy mà trong năm 2019 bầy chim tự nhiên sụt giảm mạnh, cả năm tôi chỉ thu được 42kg tổ yến, mất trắng hơn 1 tỉ đồng”, ông Thường kể.
Loa dẫn dụ chim yến được giấu dưới gốc thanh long - Ảnh: Thanh Anh
Không riêng ông Thường mà nhiều chủ nhà nuôi chim yến ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây… của tỉnh Tiền Giang đều thừa nhận khoảng 2 năm trở lại đây số lượng đàn chim yến của họ bị sụt giảm rất bất thường. Đầu tư tiền tỉ xây nhà nuôi chim yến nhưng bị thiệt hại nặng không rõ nguyên nhân, các chủ nhà nuôi yến đã âm thầm tìm hiểu và tá hỏa vì đàn chim luôn bay trên trời kiếm ăn… lại bị dính lưới.
Theo ông Cường, chủ một nhà nuôi chim yến ở H.Chợ Gạo, thời gian gần đây có nhiều người dùng các tấm lưới đánh cá dài hàng trăm mét dệt bằng sợi nilon trắng trong suốt để bẫy chim yến. Mỗi ngày, những người bẫy chim đi vào các khu vườn trồng cây thanh long, các cánh đồng lúa rộng lớn, cột 2 đầu lưới vào 2 cây tre cao khoảng chục mét, giăng lên trời. Sau đó họ sử dụng 1 chiếc USB cắm vào chiếc máy tăng âm Trung Quốc to khoảng gói thuốc lá, nối vào chiếc loa phóng thanh đặt ở 1 gốc cây gần tấm lưới, mở tiếng kêu của chim yến phát ra loa để dẫn dụ bầy chim đang bay kiếm ăn ngoài tự nhiên.
Nghe tiếng kêu của đồng loại, bầy chim yến lao đến và đâm đầu mắc vào tấm lưới trong suốt, 1 con mắc bẫy kêu cứu thì cả chục con khác lao đến rồi cũng bị dính vào lưới, người bẫy chim chỉ cần ra gỡ xuống cho vào lồng.
Một nhà nuôi chim yến ở TX.Gò Công - Ảnh: Thanh Anh
“Tụi tui tận mắt thấy họ giăng lưới bắt chim yến nhưng không có cách gì ngăn cản được, vì chim yến con nào cũng giống nhau, các chủ nhà nuôi yến không thể đánh dấu phân biệt, nên đâu có bằng chứng gì cụ thể để nói đó là chim của mình nuôi. Không riêng chim yến mà tất cả những loại chim, cò nếu dính vào lưới thì đều bị những người bẫy chim bắt sạch”, ông Cường cho biết.
Hỏi ông Cường sao những lúc bắt quả tang những người bẫy chim lại không thông báo cho chính quyền địa phương đến xử lý, ông chủ nhà nuôi yến cười buồn hiu, phân trần: “Những người làm nghề bẫy chim thường chọn những nơi vắng vẻ, xa khu dân cư để giăng lưới bắt chim, mình có báo cho chính quyền địa phương đến nơi thì họ đã cuốn đồ nghề đi mất. Còn bản thân tụi tui thì làm sao dám giữ họ lại, nếu lỡ xảy ra đôi co tranh chấp thì lại mang tội giữ người trái pháp luật, phiền phức lắm”.
Tại TX.Gò Công, nơi được mệnh danh là “thủ phủ nuôi chim yến” của tỉnh Tiền Giang với gần 380 nhà nuôi yến lớn nhỏ, nhiều chủ nhà yến cũng thừa nhận có xảy ra tình trạng suy giảm đàn. Nhưng điều kỳ lạ là không ai trình báo với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan hữu trách.
Mua bán chim yến phóng sinh - Ảnh: Thanh Anh
Một cán bộ của Phòng Kinh tế thị xã cho biết, từ khi có thông tin xuất hiện tình trạng giăng lưới bắt chim yến, Phòng Kinh tế đã thông báo cho người dân, các chủ nhà nuôi chim yến cảnh giác, nếu phát hiện người giăng lưới bẫy chim thì báo ngay cho chính quyền địa phương đến xử lý. “Nhưng từ trước đến nay trên địa bàn thị xã chưa bắt được người bẫy chim nào, vì các chủ nhà nuôi chim yến rất kín tiếng. Họ chỉ giải thích chung chung là tổng đàn chim bị suy giảm do… thời tiết thay đổi”, vị cán bộ nói.
Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn...
Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tiếp cận được 1 người làm nghề bẫy chim tên Thành, quê ở tỉnh Long An. Anh này cho biết tiền sắm giàn lưới và chiếc loa phóng thanh, máy tăng âm chưa đến 1 triệu đồng, nhưng vật quan trọng nhất của nghề bẫy chim chính là chiếc USB. “Trong chiếc USB của thợ bẫy chim không chỉ thu giữ tiếng kêu của chim yến mà có tiếng kêu của rất nhiều loại chim, cò khác nhau. Muốn bắt chim gì thì chỉ cần mở tiếng con chim đó lên rồi ngồi chờ lũ chim tự nhiên dính lưới”, Thành nói.
Nhưng theo Thành, do chim, cò ngoài tự nhiên đang ngày càng kiệt nên phần lớn thợ bẫy chim đều xoay sang giăng lưới bắt chim yến, vì hiện nay loại chim này đang được nuôi rất nhiều. “Mỗi ngày tụi tui chỉ đi làm 2 buổi, lúc sáng sớm đến khoảng 8-9 giờ, buổi chiều từ 16-18 giờ là nghỉ. Sở dĩ giăng lưới vào 2 thời điểm này là giờ của chim yến đi ăn, vắng người ra ruộng, thăm vườn. Hôm nào thất thì bắt được 100-200 con, hôm nào trúng thì 500-700, có khi bắt được hơn 1.000 con”, Thành cho biết.
Lưới bẫy chim rao bán đầy trên mạng - Ảnh: Thanh Anh
Theo Thành, ngày bình thường, chim yến sau khi gỡ khỏi lưới sẽ được vặt trụi lông đem bán cho quán nhậu với giá 3.000-5.000 đồng/con, giả làm chim sẻ lừa thực khách. Còn những ngày rằm, mùng 1 âm lịch thì con nào bị gãy chân, gãy cánh mới bán cho quán nhậu, con nào mạnh khỏe thì đem đến các cổng chùa bán chim phóng sinh với giá 7.000-10.000 đồng/con. Tuy nhiên, những con chim bán phóng sinh đều được bí mật cắt bớt lông cánh để không thể bay xa, người bán có thể thu hồi lại để bán lần 2, lần 3, đến khi chim kiệt sức thì bị vặt lông giả làm chim sẻ bán cho quán nhậu.
Hỏi Thành có biết chim yến dính lưới là chim của các nhà nuôi yến hay không, anh chàng đáp không đắn đo: “Biết chớ! Nhưng “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn”. Tụi tui bắt chim đang bay ngoài ruộng vườn tự nhiên, đâu có tới xung quanh mấy nhà yến để giăng lưới. Hơn nữa, mấy ông chủ nhà nuôi chim yến lấy bằng chứng nào để nói con chim tụi tui bắt được là của họ nuôi”.
Theo ông Thường, do chim yến được xem là động vật nguy cấp cần bảo vệ, việc đầu tư xây dựng nhà nuôi yến rất tốn kém, nên chính quyền địa phương cùng các cơ quan hữu trách cần sớm có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ đàn chim yến, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi săn bắt chim yến trái phép.
Tiến sĩ nông học Lê Hữu Hải, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tiền Giang, cho biết ngoài giá trị kinh tế thì chim yến là loài thiên địch sâu bọ rất hữu hiệu đối với nhà nông. “Chim yến tiêu diệt rất nhiều loại sâu rầy phá hoại mùa màng, ruộng lúa. Vì vậy nếu săn bắt chim yến thì đồng ruộng sẽ bị sâu bọ phá hại, nhà nông phải tốn nhiều chi phí diệt trừ bằng thuốc hóa học, không có lợi trong lúc mọi người đang hướng đến nền nông nghiệp sạch”, tiến sĩ Hải nói.
Một luật sư ở Tiền Giang cho biết trên thực tế chim yến được xem là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển theo Công ước CITES (Công ước thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, hay còn gọi là Công ước Washington) ngày 1.10.1973, mà Việt Nam là quốc gia thứ 121 tham gia công ước này.
Chim bị tận diệt, thành mồi nhậu - Ảnh: Thanh Anh
Tại Việt Nam, chim yến được xếp vào nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ. Mặc dù lâu nay các địa phương chưa chú trọng việc xử lý những người giăng lưới bẫy chim yến, nhưng hành vi của những người này đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã”, theo khoản 1 điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu săn bắt, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB hoặc thuộc phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Thanh Anh