Khủng hoảng tiền mặt tại Myanmar

Chuyển động - Ngày đăng : 07:35, 16/05/2021

Ở Myanmar lúc này, muốn có tiền mặt thì phải thức dậy thật sớm.

Nhiều người xếp hàng trước ngân hàng lúc 4 giờ sáng. Những người đến đầu tiên sẽ được nhận thiết bị token nhựa cho phép họ đi vào lúc 9 giờ 30 và rút tiền mặt, nếu không có token thì hoặc là phải đợi hàng giờ đồng hồ trước vài máy rút tiền còn hoạt động bên ngoài hoặc là tìm đến chợ đen chịu tốn khoản hoa hồng lớn.

z24ni6atobip3fn34seqwhnhby.jpg
Xếp hàng rút tiền mặt trong một ngân hàng ở Yangon ngày 13.5 - Ảnh: Reuters

Khủng hoảng tiền mặt là một trong hàng loạt vấn đề cấp bách đối với người dân Myanmar kể từ khi đảo chính quân sự nổ ra cho đến nay. Ngân hàng trung ương - hiện do một nhân vật quân đội chỉ định điều hành - không hoàn trả phần tiền dự trữ cho các ngân hàng tư nhân mà không nói rõ lý do, gây nên cảnh thiếu tiền mặt trầm trọng.

Các ngân hàng tư nhân thời gian qua cũng đóng cửa hoặc mở cửa không liên tục vì nhân viên đi biểu tình. Tình trạng mất mạng internet khiến giao dịch trực tuyến trở nên khó khăn, phần lớn hoạt động chuyển khoản quốc tế đều tạm ngừng.

Người dân cùng doanh nghiệp quy mô nhỏ phải chật vật xoay sở. Nữ doanh nhân Hnin Hnin chuyên cung cấp dầu gội đầu và ga trải giường cho khách sạn cao cấp than phiền: “Bây giờ rất khó làm ăn. Đối tác không chấp nhận chuyển khoản nữa mà đòi tiền mặt. Vậy là chúng tôi phải đi tìm tiền mặt”.

Hnin Hnin gia nhập hàng người xếp trước máy rút tiền còn hoạt động tại một số thành phố lớn. Người cần tiền thường liên kết thành nhóm, một người rút cho cả nhóm. Nữ doanh nhân này cũng buộc phải thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài bằng cách ký thỏa thuận đổi tiền với một đối tác nắm giữ tiền mặt sống ở Thái Lan. Theo thỏa thuận, đối tác cho Hnin Hnin dùng tài khoản bằng đồng baht thanh toán với nhà cung cấp Thái, rồi cô lấy tiền kyat của Myanmar trả lại.

sgbk44ivvvl2ffg73kf7fbbyw4.jpg
Không còn nhiều máy rút tiền hoạt động - Ảnh: Reuters

Lúc này hầu như không thể lấy được USD hay ngoại tệ khác tại các trung tâm đổi tiền thông thường trên địa bàn Yangon. Người đổi tiền chợ đen vẫn chấp nhận đổi tiền mặt và nhận chuyển khoản nhưng hoa hồng lên đến 10%.

Theo nhà phân tích chính trị chuyên về Myanmar Richard Horsey, phần lớn người dân muốn rút tiền để mua thực phẩm và mặt hàng thiết yếu khác, đồng thời cũng vì sợ hệ thống ngân hàng sụp đổ.

Giới chuyên gia đánh giá khủng hoảng tiền mặt là dấu hiệu tức thời phơi bày nhiều vấn đề kinh tế mà Myanmar phải đối mặt. Công ty nghiên cứu tài chính Fitch Solutions tháng trước dự báo GDP năm 2021 của quốc gia Đông Nam Á này sẽ sụt giảm 20%.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cảnh báo nền kinh tế Myanmar đang đứng trước nguy cơ sụp đổ do đại dịch COVID-19 và cuộc đảo chính. Kịch bản xấu nhất là 27 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.

“Nếu tình trạng hiện tại tiếp diễn, tỷ lệ nghèo đói tại Myanmar có thể tăng gấp đôi vào năm 2022. Lúc đó khủng hoảng sẽ gây thiệt hại đáng kể lên tiền lương lẫn thu nhập đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, giảm khả năng tiếp cận thực phẩm, dịch vụ cơ bản, bảo trợ xã hội”, theo UNDP.

Vài tuần qua, nhân viên ngân hàng đã quay về làm việc. Tuy nhiên cảnh thiếu tiền mặt chưa thể sớm được giải quyết.

Hàng hóa hiện vẫn có sẵn nhưng một số nhà phân tích lo lắng nông dân không thể mua được hạt giống hoặc không đủ tiền mua chúng trước vụ gieo trồng tháng 6, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thời gian tới.

Một nhà kinh doanh gạo lớn cho biết chuỗi thương mại đang đình trệ. Ông thiếu tiền mặt để mua gạo từ nông dân – điều có thể khiến nông dân không có tiền mua trang thiết bị sản xuất hay trả công cho người lao động.

Cẩm Bình