Tầm quan trọng của cơ sở sản xuất vắc xin mRNA với châu Á - Thái Bình Dương

Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:50, 16/05/2021

Các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương hiện rất khó mua được vắc xin COVID-19 dùng công nghệ RNA thông tin (mRNA) phát triển bởi Pfizer hay Moderna.

Chính phủ Úc, Hàn Quốc, Singapore đang chạy đua xây dựng cơ sở nhằm tự chủ sản xuất. Khi không thể đảm bảo nguồn cung ngay từ sớm thì động thái này chẳng mang lại lợi ích tức thời, cũng chẳng giúp các quốc gia này sớm thoát khỏi đại dịch.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất vắc xin mRNA có thể đóng vai trò rất quan trọng trong đối phó vi rút mới trong tương lai. Giới chuyên gia tin tưởng công nghệ RNA thông tin - sản xuất nhanh hơn vắc xin truyền thống, hiệu quả hơn trong chống lại mầm bệnh đột biến nhanh như coronavirus - sẽ đem lại giải pháp phòng ngừa nhiều loại bệnh.

Nhà sinh học phân tử Thomas Preiss thuộc Đại học quốc gia Úc nhận định: “Các quốc gia nhận ra rằng họ quá phụ thuộc nguồn cung vắc xin từ nơi khác và rất khó có được thứ mình cần để xử lý khủng hoảng y tế, vì vậy họ cố xây dựng năng lực sản xuất. Đây không phải giải pháp cho ngắn hạn nhưng có ích nếu các biến thể vi rút gây bệnh COVID-19 làm gia tăng nhu cầu chủng ngừa một lần nữa”.

vaccine.jpg
Việc tự chủ nguồn cung vắc xin rất quan trọng - Ảnh: Reuters

Công ty công nghệ sinh học BioNTech - đơn vị hợp tác với Pfizer phát triển vắc xin COVID-19 - ngày 10.5 công bố kế hoạch lập văn phòng khu vực cùng một cơ sở sản xuất tại Singapore. Cơ sở mới sẽ sản xuất nhiều sản phẩm dựa trên công nghệ mRNA nhằm giúp Đông Nam Á phản ứng nhanh trước nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn, theo BioNTech.

Kế hoạch nếu được phê duyệt sẽ khởi động xây dựng ngay trong năm nay, sớm nhất là năm 2023 có thể đi vào hoạt động, công suất hằng năm ước tính vào khoảng vài trăm triệu liều tùy sản phẩm cụ thể.

Giáo sư Ooi Eng Eong thuộc trường Y đại học quốc gia Singapore đánh giá COVID-19 làm phơi bày điểm yếu về sản xuất vắc xin của Đông Nam Á. Việc BioNTech xây cơ sở ở đảo quốc sư tử là một quyết định đúng đắn.

“Thứ nhất, Singapore là nước nhỏ nên nhu cầu trong nước dễ dàng được đáp ứng đầy đủ, qua đó tạo điều kiện cho xuất khẩu vắc xin. Thứ hai, Singapore đã đầu tư vào nghiên cứu cơ bản hữu ích cho phát triển vắc xin thế hệ tiếp theo”, giáo sư Eong phân tích. Ông gọi đây là bước chuẩn bị cần thiết cho tương lai.

56522015_101.jpg
COVID-19 làm phơi bày điểm yếu về sản xuất vắc xin của Đông Nam Á - Ảnh: DW

Moderna cũng có kế hoạch xây nhà máy tại Hàn Quốc. Dự kiến thông báo chính thức sẽ được đưa ra lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in trong tuần tới.

Nước này hiện đang sản xuất vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, Novavax cũng như vắc xin Nga Sputnik V, cả 3 loại đều không sử dụng công nghệ mRNA. Ứng viên đủ sức hợp tác với Moderna là Samsung Biologics.

Giáo sư Lee Hoanjong thuộc Bệnh viện Nhi đồng Đại học quốc gia Seoul nói: “Một khi được bật đèn xanh và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA, Hàn Quốc sẽ có cơ hội vươn lên thành thế lực lớn trên thị trường. Lợi ích cho đất nước chính là sở hữu phương tiện cùng cơ sở hạ tầng chế tạo vắc xin chống lại dịch bệnh bùng phát trong tương lai”.

Úc cũng đang đàm phán với Moderna chuyện sản xuất vắc xin tại nước này. Canberra sẵn sàng dành ra hàng triệu USD phát triển năng lực sản xuất.

Nhà sinh học phân tử Preiss nhận định đầu tư cho vắc xin mRNA tốt hơn đầu tư vắc xin truyền thống, không chỉ vì hiệu quả phòng chống vi rút tốt hơn, mà còn vì lợi ích kinh tế mà công nghệ mới mang lại lớn hơn.

Cẩm Bình