Cú lừa truyền thông của quân đội Israel khiến các chiến binh Hamas rơi vào bẫy chết người
Quốc tế - Ngày đăng : 12:05, 16/05/2021
Tuyên bố với lời lẽ mơ hồ nói trên đã dẫn đến suy đoán vội vàng rằng Israel đã tung ra cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza, một kịch bản đáng sợ đánh dấu sự leo thang đẫm máu trong chiến dịch của Israel chống lại các chiến binh Hamas. Một số phóng viên còn được nói thẳng rằng cuộc tấn công đã bắt đầu.
Mấy giờ sau, quân đội Israel đã đính chính lại: Quân đội Israel không tiến vào dải Gaza. Nhưng lúc đó thì nhiều cơ quan báo chí lớn đã loan tin (sai) rằng cuộc tấn công trên bộ đang diễn ra.
Trong khi quân đội Israel tìm cách giảm nhẹ sự cố, coi đó như một sự hiểu lầm thì một số bình luận viên quân sự thạo tin nói rằng truyền thông đã được sử dụng như một bộ phận trong kế hoạch đánh lừa tinh vi nhằm dụ các chiến binh Hamas vào cái bẫy chết người có thể đã giết chết hàng chục chiến binh.
Or Heller, một phóng viên quân sự kỳ cựu của kênh truyền hình 13 của Israel nói: “Họ không nói dối. Đó là một sự sắp đặt thông minh và thành công”.
Mọi sự diễn ra như sau:
Tối muộn ngày thứ Năm (13.5), sau nhiều ngày không kích, Israel loan báo gọi trình diện hàng ngàn lính dự bị và tập trung quân dọc biên giới (với dải Gaza), chuẩn bị cho một cuộc xâm lược trên bộ có thể diễn ra. Trong một dấu hiệu leo thang khác, Israel bắt đầu nã pháo qua biên giới vào các mục tiêu bên trong Gaza, theo các cư dân.
Trong những vòng giao tranh trước đó, những cuộc xâm nhập trên bộ đã gây ra phá hủy ở nhiều nơi ở Gaza và thương vong nặng nề cho cả hai bên. Điều đó dựng nên sân khấu cho cú lừa vào tối muộn ngày thứ năm. Theo Heller, Israel bắt đầu tập trung lực lượng dọc biên giới như là thực hiện những chuẩn bị cuối cùng cho một cuộc xâm lược. Kế đến là thông báo cho giới truyền thông, được đưa ra đồng thời cả bằng tiếng Hebrew và tiếng Ả rập trên Twitter. Tiếp theo đó là sự báo động tại các cơ quan truyền thông lớn, bao gồm cả The New York Times, rằng cuộc xâm lược đang diễn ra.
Những động thái của phía Israel đã khiến các chiến binh Hamas lao tới các vị trí phòng thủ trong mạng lưới đường hầm ngầm dưới đất được gọi là “Metro”, theo Heller và các báo cáo khác của phía Israel.
Israel đã điều 160 chiến đấu cơ tới dội bom vào mạng lưới đường hầm ngầm trong suốt 40 phút. Heller phỏng đoán có lẽ hàng chục chiến binh đã bỏ mạng.
Heller nói: “Điều chúng ta thấy tối nay là một chiến dịch rất tinh vi, có cả khía cạnh truyền thông trong đó”.
Hamas đã không bình luận về sự kiện này, và cũng không thể tìm kiếm sự xác nhận từ phía Israel.
Heller nói những phóng viên Israel kỳ cựu, có quan hệ gần gũi với giới quân sự và nhiều người từng tham gia quân ngũ biết rằng không thể nào có chuyện Israel đưa quân vượt biên giới vào giai đoạn này. Heller và các phóng viên quân sự khác còn viết trên twitter rằng không hề có việc Israel tấn công trên bộ.
Dựa trên phân tích của mình về tuyên bố của quân đội, các cuộc gọi cho các sĩ quan quân đội và dựa trên tin tức tại chỗ từ Gaza, kết luận rằng không có cuộc đột nhập nào của quân đội và đã không đưa tin.
Nhưng các báo khác nói rằng quân đội đã lừa họ hoặc thậm chí nói dối khi được yêu cầu làm sáng tỏ tuyên bố ban đầu và việc sử dụng mơ hồ từ “trong” (dải Gaza). Felicia Schwartz, thông tín viên Wall Street Journal, nói mình đã đưa tin báo động về một cuộc tấn công trên bộ sau khi nhận được sự xác nhận rõ ràng từ trung tá Jonathan Corincus, phát ngôn viên quân đội.
Trong một tuyên bố trên Twitter, cô nói “Corincus đã nói trực tiếp với tôi rằng: Có bộ binh trong dải Gaza. Đó là cơ sở cho bản tin đầu tiên khẳng định như vậy. Nhưng hai giờ sau ông ta rút lại tuyên bố và tôi buộc phải thay đổi bản tin”.
Nói với các phóng viên vào sáng ngày thứ Sáu (14.5), Corincus đổ lỗi cho sự sai sót trong “thông tin nội bộ”. “Những chuyện như vậy đôi khi có thể xảy ra, giữa một chiến dịch phức tạp với nhiều bộ phận đang di chuyển và một bức tranh không rõ ràng về những gì đang diễn ra”.
Tuy nhiên, một số phóng viên vẫn còn thắc mắc.
“Nếu họ lợi dụng chúng ta, đó là điều không thể chấp nhận được. Còn nếu không, câu chuyện thực là gì? Và vì sao báo chí Israel đưa tin rộng rãi rằng chúng ta đã bị lừa?”, Daniel Estrin, thông tín viên NPR ở Jerusalem, người cũng được quân đội cho biết cuộc tấn công trên bộ đã bắt đầu, cho hay.
Các quân đội trên khắp thế giới từ lâu đã sử dụng thủ đoạn đánh lừa, giăng bẫy kẻ thù. Cách đây hai năm, cũng quân đội Israel đã báo cáo giả về những quân nhân bị thương vong tại một địa điểm bị tên lửa của Hezbollah đánh trúng, thậm chí còn tổ chức vận chuyển những người bị thương trên cáng đến bệnh viện bằng trực thăng.
Theo các báo cáo thời đó, quân đội Israel đã dựng lên vụ người bị thương để đánh lừa Hezbollah khiến họ nghĩ rằng họ đã gây thương vong và đồng ý ngừng bắn.
Những tuyên bố gây hiểu lầm hôm thứ sáu vừa qua đã gây căng thẳng hơn nữa trong mối quan hệ vốn đã gập ghềnh giữa quân đội Israel và báo chí nước ngoài.
Peter Lerner, một cựu phát ngôn viên quân đội với báo chí nước ngoài cho biết công chúng Israel nói chung từ lâu đã cảm thấy truyền thông quốc tế tập trung quá nhiều vào phía Palestin trong câu chuyện trong khi lại ít đếm xỉa đến những mối quan tâm và những khổ đau của người Israel, và quân đội cũng có xu hướng như vậy.
Theo Lerner, ông cảm thấy khó có khả năng quân đội cố tình nói dối, dù tổn hại bất kể thế nào đã xảy ra.