Không mạo hiểm, Tổng thống Biden tiếp cận châu Phi vẫn theo cách người tiền nhiệm?

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:02, 17/05/2021

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khuyến cáo các quốc gia châu Phi về “bẫy nợ” mà Trung Quốc - đối tác thương mại và bên cho vay lớn nhất của lục địa đen - giăng ra.

Giới quan sát dự đoán khi ông Joe Biden lên nắm quyền, giọng điệu trên sẽ không còn nữa. Tuy nhiên tân chính quyền đang cho thấy điều ngược lại, thể hiện rõ nhất qua cuộc trò chuyện trực tuyến giữa Ngoại trưởng Antony Blinken với sinh viên châu Phi học tập tại Mỹ cuối tháng 4.

Ngoại trưởng Blinken khuyên châu Phi nên cẩn thận trước vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề nợ: “Nợ quá nhiều sẽ trở thành gánh nặng không bền vững cho các quốc gia, rồi sau đó họ phải đối mặt với lựa chọn giữa phải trả nợ và có thể trả nợ bằng cách lấy đi nguồn lực từ người dân, hoặc phải giao dự án đầu tư lại cho chủ đầu tư hoặc chủ nợ”.

“Bạn cũng nên xem xét kỹ khi quốc gia nào đó đến xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, họ đem lao động sang hay giao việc cho người ở nước sở tại”, Ngoại trưởng Blinken nói thêm.

11414163455_aefed42c84_o-min.jpg
Trung Quốc đầu tư lớn vào châu Phi - Ảnh: China Daily

Cách tiếp cận “kiểu Trump” mà chính quyền Tổng thống Biden áp dụng gây ngạc nhiên. Giáo sư Michael Chege thuộc Đại học Nairobi chỉ ra điều này từng có tiền lệ: “Hầu hết chuyên gia nghiên cứu châu Phi đều mong Mỹ ngừng sử dụng kiểu khuyên bảo bề trên về mối đe dọa Trung Quốc như những gì Ngoại trưởng Blinken phát biểu. Tuy nhiên, trước đó cựu Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng từng phát biểu tương tự”.

“Ít nhất hai ông Trump và Obama có giới thiệu chương trình phát triển hạ tầng để thu hút các quốc gia châu Phi. Chính quyền Tổng thống Biden có gì? Tại sao cứ nghĩ các quốc gia châu Phi không biết tự suy xét và không cảnh giác trước mối đe dọa Trung Quốc”, theo Giáo sư Chege.

Một số nhà quan sát khác lại đánh giá chính quyền Tổng thống Biden đang cho thấy Mỹ tiếp tục thách thức Trung Quốc. Chuyên gia W.Gyude Moore thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu (ông này vốn là cựu bộ trưởng ở Liberia) phân tích: “Ngay từ thời Tổng thống Trump thì lưỡng đảng tại Mỹ đã nhất trí cao rằng Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm cần đối phó. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi chính sách với Trung Quốc được tiếp nối, bất kể ở châu Á hay châu Phi. Cách tiếp cận và phát ngôn có thể mang tính ngoại giao hơn, không khó nghe như trước, nhưng mục tiêu chính sách vẫn như cũ”.

chinese-railway-workers.jpg
Mỹ quyết định đối phó Trung Quốc, bất kể ở châu Á hay châu Phi - Ảnh: Getty Images

Mặc dù tiếp nối cách tiếp cận “kiểu Trump”, tân chính quyền cũng có vài bước đi riêng biệt: dỡ bỏ loạt hạn chế đi lại ảnh hưởng đến người châu Phi, không còn phản đối ứng viên Ngozi Okonjo-Iweala trở thành người châu Phi đầu tiên làm Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nữa, chủ động liên hệ Ethiopia thảo luận vấn đề khủng hoảng nhân đạo ở vùng Tigray.

“Còn rất sớm để thấy Tổng thống Biden thực thi sáng kiến rõ ràng nào đó, nhưng đã có nhiều dấu hiệu tốt. Theo tôi thì tân chính quyền nhận ra chỉ lên tiếng chỉ trích hoạt động của Trung Quốc và khuyên các quốc gia châu Phi không nên nhận tiền từ Trung Quốc là không đủ. Tôi kỳ vọng sẽ thấy Cơ quan Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USDFC) tăng cường hoạt động cũng như bắt tay cùng đồng minh triển khai tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng”, chuyên gia Moore cho hay.

Nhà phân tích chính trị David Tinashe Hofisi (ở Zimbabwe) nhận xét Tổng thống Biden giữ đúng lời hứa “giữ vững nhiều chính sách, không thay đổi về cơ bản”. Giáo sư Seifudein Adem thuộc Đại học Doshisha mong tân chính quyền thu hút các quốc gia châu Phi bằng giọng điệu khác, mạnh mẽ hơn.