Mỹ lại mạnh tay trừng phạt quân đội Myanmar, tổ chức giám sát quốc tế nói không có gian lận bầu cử
Quốc tế - Ngày đăng : 22:15, 17/05/2021
SAC được quân đội thành lập một ngày sau cuộc đảo chính.
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền được bầu của bà Aung San Suu Kyi, với các cuộc biểu tình gần như hàng ngày bị đàn áp, trong đó ít nhất 796 người đã thiệt mạng.
Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc SAC được quân đội Myanmar tạo ra để hỗ trợ cho việc "lật đổ bất hợp pháp chính phủ dân sự được bầu cử một cách bất hợp pháp".
Trong số những người bị đưa vào danh sách đen hôm 17.5 có 4 thành viên SAC và 9 quan chức khác mà Bộ Tài chính Mỹ cho biết là thành viên chủ chốt của chính quyền quân sự Myanmar, bao gồm cả Thống đốc Ngân hàng trung ương, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên minh (cơ quan bầu cử do quân đội kiểm soát).
Động thái này dường như là lần đầu tiên chính quyền Biden nhắm vào các quan chức dân sự đang làm việc với quân đội Myanmar, dù một số trong đó là các sĩ quan đã nghỉ hưu.
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt với 3 người con của các quan chức quân đội Myanmar nằm trong danh sách đen.
"Quân đội Myanmar tiếp tục vi phạm nhân quyền và đàn áp người dân. Hành động hôm nay thể hiện cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế của chúng tôi để gây sức ép với quân đội Myanmar, thúc đẩy trách nhiệm giải trình với những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính và bạo lực đang diễn ra", Andrea Gacki, Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, tuyên bố.
Động thái này đóng băng bất kỳ tài sản nào liên quan đến Mỹ của những người bị đưa vào danh sách đen và ngăn cản người Mỹ giao dịch với họ.
Các quốc gia phương Tây đã dẫn đầu việc lên án chính quyền quân sự Myanmar và áp dụng các biện pháp trừng phạt hạn chế kể từ khi họ lên nắm quyền với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng vào tháng 11. Ủy ban bầu cử bác bỏ điều này.
Tổ chức giám sát quốc tế nói không có bằng chứng đáng tin cậy về gian lận bầu cử ở Myanmar
Hôm 17.5, tổ chức giám sát bầu cử độc lập cho biết kết quả bầu cử vào tháng 11.2020 ở Myanmar “nhìn chung là đại diện cho ý chí của người dân”, bác bỏ cáo buộc của quân đội về gian lận lớn được coi là lý do để nắm chính quyền.
Dù có những sai sót trong quá trình bầu cử nhưng “có một số biện pháp bảo vệ theo thủ tục được thực hiện suốt quá trình bỏ phiếu, được coi là minh bạch và đáng tin cậy”, Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á (ANFREL) cho biết trong một báo cáo.
Tuy nhiên, ANFREL lưu ý rằng quy trình bầu cử của Myanmar “về cơ bản là không dân chủ” vì hiến pháp năm 2008 của nước này, được viết trong thời kỳ quân đội cai trị, trao cho quân đội 25% ghế ở Quốc hội, đủ để ngăn chặn những thay đổi hiến pháp. Nhiều thành phần dân cư, đặc biệt là thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, bị tước quyền công dân, bao gồm cả quyền bầu cử.
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2020. Lẽ ra điều này sẽ đảm bảo cho NLD nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm. Chiến thắng của NLD năm 2015 đã đưa Myanmar đi theo con đường dân chủ sau hơn 5 thập kỷ cai trị quân sự trực tiếp và gián tiếp.
Thế nhưng vào ngày 1.2.2021, quân đội đã bắt giữ bà Suu Kyi và hàng chục quan chức NLD hàng đầu khác, ngăn cản các nhà lập pháp dân cử triệu tập một phiên họp mới của Quốc hội, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và nói rằng sẽ điều hành đất nước cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức trong năm nay. Song, quân đội Myanmar chỉ ra rằng thời hạn có thể bị trì hoãn thêm một năm.
Lực lượng an ninh đã sử dụng vũ lực sát thương trong nỗ lực để trấn áp sự phản đối của quần chúng với cuộc đảo chính quân sự. Hàng trăm người biểu tình và những người chứng kiến đã bị giết trong cuộc đàn áp.
Báo cáo của ANFREL, nhóm quốc tế phi đảng phái hoạt động vì các cuộc bầu cử công bằng ở châu Á, lưu ý rằng Thượng tướng Min Aung Hlaing cho biết quân đội đã tiếp quản vì "có sự gian lận khủng khiếp trong danh sách cử tri". Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh (được quân đội hậu thuẫn), nói bị thiệt hại nặng nề bất ngờ trong cuộc bầu cử và cũng đưa ra cáo buộc tương tự.
Kể từ sau cuộc đảo chính, các phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát đã công bố dữ liệu xuống cấp thị trấn với mục đích cho thấy danh sách cử tri không thể đối chiếu với kết quả bầu cử.
ANFREL “thiếu thông tin để xác minh độc lập các cáo buộc gian lận danh sách cử tri” vì luật bầu cử không cho phép họ truy cập vào danh sách bầu cử, nhưng không thấy bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về sự bất thường lớn nào.
Báo cáo của ANFREL cho biết có một số phàn nàn về cuộc bầu cử không chỉ từ Đoàn kết và Phát triển Liên minh - đảng đối lập chính với NLD - mà còn của các nhà quan sát độc lập.
Vấn đề lớn nhất là việc hủy bỏ cuộc bỏ phiếu vì lý do an ninh ở một số khu vực mà các nhóm nổi dậy đã hoạt động. ANFREL chỉ trích sự hủy bỏ này "được tiến hành một cách không rõ ràng, độc đoán và không nhất quán", bị các nhà phê bình coi là nhằm hạn chế số ghế có thể giành được từ các đảng chính trị dân tộc là đối thủ của NLD.
Các vấn đề khác với cuộc bầu cử diễn ra trong thời gian ngắn bao gồm luật phân biệt đối xử về quyền công dân được sử dụng để từ chối một số ứng cử viên, đặc biệt là người Hồi giáo, và giải tán đảng Dân chủ Thống nhất chỉ ba tuần trước ngày bầu cử. Việc loại bỏ đảng Dân chủ Thống nhất, có số lượng ứng cử viên cao thứ hai, "tước quyền cử tri bỏ phiếu trước đó " cho các ứng cử viên của mình, theo ANFREL.
Tuy nhiên, theo ý kiến của ANFREL, kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2020 nói chung là đại diện cho ý chí của người dân Myanmar. Bất chấp đại dịch COVID-19 đang hoành hành, 27,5 triệu người đã bỏ phiếu nhờ sự chăm chỉ của các nhân viên phòng phiếu và các quan chức bầu cử hoặc y tế, nên tiếng nói của họ không thể bị bịt miệng.
ANFREL tiết lộ họ có các quan sát viên bầu cử ở 13 trong số 14 bang và khu vực của Myanmar, mô tả việc quân đội nắm quyền là "không thể bênh vực được".
Trung tâm Carter có trụ sở tại Mỹ, tổ chức cũng đã theo dõi cuộc bầu cử Myanmar năm ngoái, nói rằng “cử tri có thể tự do bày tỏ ý muốn của họ”.