Nhân vụ đại úy công an "chỉ đứng nhìn tài xế taxi vật lộn với cướp" nhớ truyện của Trang Tử
Góc bình luận - Ngày đăng : 21:56, 18/05/2021
Vừa qua, dư luận đang dậy sóng với việc anh công an đứng bấm điện thoại nhìn lái xe vật lộn với tên cướp tại đường Cienco 5, khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội). Chắc hẳn nhiều người thắc mắc anh đại úy công an Nguyễn Thanh Lâm đang làm gì, anh đang nghĩ gì khi trông thấy cảnh mà đáng ra anh phải ra tay theo đúng trách nhiệm của người công an nhân dân.
Theo tường trình của đại úy Lâm, thời điểm xảy ra vụ việc anh đang trên đường đi làm nhiệm vụ về căn cước công dân. Khi nhìn thấy vụ giằng co, vật lộn và có đổ máu, đại úy Lâm dùng điện thoại để gọi chi viện từ Công an xã Cự Khê. Chỉ 4 phút sau khi gọi điện, lực lượng công an xã cùng với xe chuyên dụng đã tới hiện trường, dẫn giải đối tượng về trụ sở công an, đồng thời phối hợp với người dân đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Nhưng trong video xuất hiện trên mạng thì ngay giây thứ 3, đại úy Lâm đứng trên vỉa hè vuốt điện thoại và đến giây 35, đại úy Lâm vẫn đứng bấm vuốt điện thoại.
Trời cao có thấu. Không hiểu đại úy Lâm nghĩ gì khi chứng kiến sự việc nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng của người dân mà anh vẫn cầm chặt chiếc điện thoại để vuốt vuốt, bấm bấm nhắn tin cho đồng đội thay vì một cú gọi thật nhanh gọn rồi lao vào hỗ trợ người dân.
Phải mãi sau khi 1 người dân không chịu nổi nhảy vào can thiệp thì mới thấy anh Lâm dũng cảm bước xuống vỉa hè, tiếp cận gần hơn hiện trường. Và cũng đến khi ấy, người ta mới thấy cánh tay anh thực hiện động tác cầm điện thoại áp tai.
Và cứ cho là tường trình của đại úy Lâm là đúng đi chăng nữa, tức là khi thấy có vụ vật lộn thì anh ở trên vỉa hè gọi điện cho đồng đội chứ không vuốt điện thoại, thì chuyện đó cũng khôi hài. Phải chăng anh là người theo đuổi chủ nghĩa “vô vi” tức là để mọi việc trên đời thuận theo tự nhiên, không can thiệp gì cả.
Nhìn anh thản nhiên trước cảnh tượng như vậy thì không thể trách người dân xung quanh thờ ơ vì họ thấy đến lực lượng chức năng còn không ra tay thì mình đâu có nghĩa vụ phải hỗ trợ người gặp nạn. Nếu anh công an vô vi thì người dân cũng vô vi theo. Họ cùng “vô vi” một cách tàn nhẫn.
Nhưng khi nghĩ đến chủ nghĩa vô vi thì tôi lại nhớ đến câu chuyện của Trang Tử, ông tổ của thuyết vô vi. Chuyện kể
"Trang Tử nghèo túng... sang Giám hà Hầu vay lúa. Giám hà Hầu nói: "Tôi có cái ấp sắp nộp tiền lúa. Tôi sẽ giúp ông trăm lượng. Có được không?"
Trang Tử giận: "Hôm qua, khi Chu đến đây, giữa đường nghe có tiếng kêu. Ngoảnh lại trông, thì thấy một con cá đang vùng vẫy trong cái vết bánh xe. Chu tôi hỏi: "Cá đến đây để làm gì?" Cá nói: "Tôi là Thủy thần ở bể Đông, ông có thể giúp tôi một chén nước mà cứu tôi không?" Chu tôi nói: "Để tôi qua chơi bên phía nam nước Ngô nước Việt, rồi khi về, tôi sẽ lấy nước Tây giang về đón ngươi. Có được không?" Cá giận nói: "Tôi đang cần nước, ông chỉ cho tôi được một ít là đủ sống. Nay nói như ông, đợi đến lúc ông về thì đến hàng cá khô, sẽ thấy tôi nơi ấy!".
Trong việc vừa qua, sau khi nghe lời đại úy Lâm tường trình, thì Trang tử hay con cá trong vai anh tài xế cũng có thể nói: “Tôi đang cần người giúp, ông chỉ cần giúp 1 tay là đủ giúp tôi giữ mạng sống. Nay nói như ông, đợi lúc ông gọi điện kêu người cứu viện đến thì thì tôi có khi bỏ mạng dưới tay cướp”.
Vô vi không phải là không làm gì cả mà không làm gì trái với tự nhiên mà việc công an bắt cướp, người ngay bắt kẻ gian đâu có gì trái tự nhiên cơ chứ. Nhưng đáng tiếc là xã hội giờ nhiều người theo đuổi “vô vi” theo kiểu không làm điều gì không có lợi hay liên lụy cho bản thân. Vậy đến khi họ rơi vào hiểm cảnh, ai sẽ "hữu vi" như Lục Vân Tiên để giúp họ?
Liên quan vụ tài xế taxi quật ngã tên cướp tại đường Cienco 5, khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội), Công an huyện Thanh Oai đã có quyết định kỷ luật Cảnh cáo với đại úy Nguyễn Thanh Lâm, Công an xã Cự Khê, do thiếu trách nhiệm trong việc bắt giữ nghi phạm. Đồng thời, Công an huyện Thanh Oai quyết định điều chuyển đại úy Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện.