Ấn Độ đến tháng 10 mới có thể tái xuất khẩu vắc xin COVID-19
Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:06, 19/05/2021
Ấn Độ một tháng trước đã tạm dừng xuất khẩu vắc xin khiến Bangladesh, Nepal, Sri Lanka cùng nhiều quốc gia châu Phi phải tranh giành nguồn cung thay thế. Trước lúc tạm dừng xuất khẩu, nước này đã bán và viện trợ hơn 66 triệu liều. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đầu tuần qua phải kêu gọi các nhà sản xuất khác tăng đóng góp cho sáng kiến COVAX để bù đắp cho lượng vắc xin Ấn Độ không viện trợ.
3 nguồn tin của Reuters khẳng định tiêm chủng trong nước mới là ưu tiên hàng đầu ở hiện tại. Theo một nguồn tin: “Chúng tôi không đưa ra tuyên bố chính thức đến tất cả các quốc gia vì không có nghĩa vụ làm vậy. Mọi chuyện được thảo luận nội bộ và một số quốc gia nhận được thông báo không nên trông đợi cam kết xuất khẩu trước đó, vì tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ lúc này”.
Không rõ nước nào đã nhận được thông báo. Tuy tiết lộ mốc thời gian là tháng 10, nhưng các nguồn tin lưu ý khôi phục xuất khẩu tùy thuộc vào việc Ấn Độ lúc nào có thể kiểm soát đợt bùng phát tồi tệ đang diễn ra.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ - đơn vị giám sát hoạt động xuất khẩu vắc xin - từ chối bình luận. Viện Huyết thanh Ấn Độ - đơn vị sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới - cho biết ưu tiên hiện tại là cung cấp vắc xin cho người dân trong nước, mặc dù họ từng đảm bảo khôi phục xuất khẩu vào tháng 6.
Phía Liên minh vắc xin toàn cầu (GAVI, đơn vị hợp tác cùng WHO điều phối COVAX) cho biết ít nhất 140 triệu liều vắc xin mà Viện Huyết thanh Ấn Độ dự kiến giao vào cuối tháng 5 vẫn còn nằm lại ở Ấn. Tổ chức này tuyên bố hết lòng hỗ trợ Ấn Độ chống dịch.
Ngày 17.5, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta H.Fore kêu gọi nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) viện trợ vắc xin, chung tay giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hiện tại. Mức thiếu hụt tính đến cuối tháng 6 ước tính khoảng 190 triệu liều.