Siêu bão Tauktae khiến hơn 90 người thiệt mạng, 49 người mất tích ở Ấn Độ
Quốc tế - Ngày đăng : 15:16, 20/05/2021
Ngày 20.5, tờ Guardian đưa tin số người thiệt mạng do siêu bão Tauktae ở Ấn Độ đã tăng lên 91 người. Hải quân nước này đang nỗ lực tìm kiếm 49 người đang mất tích trên biển, sau khi một chiếc sà lan chở công nhân chìm ngoài khơi trong bão.
Cơn bão mạnh Tauktae đã ập vào bờ biển Gujarat hôm 17.5, gây ra những trận mưa và gió dữ dội ở các bang dọc theo bờ biển phía Tây Ấn Độ. Tauktae hiện được phân loại là ‘Bão lốc xoáy cực kỳ nghiêm trọng’ và là cơn bão xoáy mạnh thứ 5 từng ghi nhận trong lịch sử ở Biển Ả Rập với sức gió lên đến 185km/h.
Vào ngày 19.5, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết tàu chiến và máy bay trực thăng đã giải cứu được hơn 600 người, sau khi những con sóng cao hơn 6m tấn công các cơ sở dầu khí ngoài khơi. Lực lượng cứu hộ đã vớt được 26 thi thể, trong khi trực thăng đang tích cực tìm kiếm 49 người mất tích.
Trong đợt cứu hộ thứ 2, một trực thăng của Hải quân Ấn Độ đã giải cứu 35 thủy thủ trên một sà lan mắc cạn ở phía bắc Mumbai. Các sà lan đều phục vụ cho Oil and Natural Gas, công ty khai thác dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Ấn Độ. Các trực thăng còn cung cấp thức ăn và nước uống cho 300 người trên một trạm hỗ trợ và tàu khoan thăm dò dầu khí.
Khoảng 200.000 người tại bang Gujarat đã được sơ tán, trong khi tất cả bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện cách bờ biển trong vòng 5 km cũng được di dời.
Giới chức Mumbai cũng đã đóng cửa sân bay và kêu gọi người dân ở trong nhà, đồng thời chuyển khoảng 600 bệnh nhân COVID-19 trong các bệnh viện dã chiến “đến địa điểm an toàn hơn”, khi mực nước biển dâng cao tới ba mét gần thị trấn ven biển Diu.
Bão Tauktae có nguồn gốc từ Biển Ả Rập và được Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) quan sát lần đầu tiên vào ngày 13.5 khi nó di chuyển về phía đông, và sau đó lên phía bắc. Đến ngày 15.5, Tauktae bắt đầu mạnh lên nhanh chóng từ 'Bão xoáy nghiêm trọng' thành 'Bão lốc xoáy rất nghiêm trọng', và sau đó là 'Bão lốc xoáy cực kỳ nghiêm trọng'.
Thông thường, một trận lốc xoáy cực kỳ nghiêm trọng xảy ra 4 đến 5 năm một lần ở đây. Từ năm 1998 đến năm 2013, chỉ có 5 cơn lốc xoáy cực kỳ nghiêm trọng xảy ra ở khu vực này của đại dương.
Tuy nhiên, năm 2014 chứng kiến cơn bão xoáy cực kỳ nghiêm trọng Nilofar (mạnh thứ ba ở Biển Ả Rập trong lịch sử, sức gió từ 205 km/h đến 215 km/h) và năm 2015 chứng kiến các cơn bão lốc xoáy Chapal và Megh, tất cả đều xảy ra vào tháng 10 và tháng 11.
Nhiệt độ bề mặt gia tăng của các vùng nước trên Biển Ả Rập được cho là yếu tố hàng đầu làm tăng tần suất và cường độ của các cơn lốc xoáy trên nó. Hiện, các chuyên gia cũng đang kêu gọi giám sát chuyên sâu các vùng nước này để tìm lốc xoáy, giúp người dân Ấn Độ ứng phó kịp thời hơn.