Đại sứ Nga ở Anh: G7 chơi 'trò nguy hiểm' khi đẩy Nga về phía Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 08:02, 21/05/2021
Các ngoại trưởng G7 (7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada) trong tháng này đã chỉ trích cả Trung Quốc và Nga. Họ coi Nga là kẻ độc hại và Trung Quốc là kẻ bắt nạt. Ngoài lời nói thì G7 có một số bước đi cụ thể ngoài việc bày tỏ sự ủng hộ với Đài Loan và Ukraine.
Trong một thông cáo dài 12.400 từ, G7 nói rằng Nga là quốc gia có ảnh hưởng gây bất ổn trên thế giới vì việc sáp nhập Crimea vào năm 2014, xây dựng ở biên giới Ukraine và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Ông Andrei Kelin (64 tuổi) cho rằng những lời chỉ trích của G7 là thành kiến, đối đầu, thiếu thực chất và gây ra cảm giác chống phương Tây trong người Nga, trong khi thái độ hung hăng của họ với Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy hai cường quốc xích lại gần nhau.
"Đây là một trò chơi nguy hiểm. Nga và Trung Quốc có tiềm năng to lớn trong các lĩnh vực khác nhau - trong kinh tế, công nghệ, năng lực quân sự, chính trị - tiềm năng này được lan rộng ra khắp thế giới", ông Andrei Kelin nói với Reuters.
"Chúng tôi không phải là đồng minh với Trung Quốc, tuy nhiên thúc đẩy Nga và Trung Quốc, nó đưa hàng ngũ của chúng tôi gần Trung Quốc - theo nghĩa đó chúng tôi ngày càng đoàn kết hơn trước những thách thức đang được đưa ra từ phương Tây", Đại sứ Nga tại Anh nhấn mạnh.
Nga, quốc gia lớn nhất thế giới theo lãnh thổ, phủ nhận việc can thiệp vượt ra ngoài biên giới của mình và nói rằng phương Tây đang bị ảnh hưởng bởi sự cuồng loạn chống Nga.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nói rằng phương Tây là kẻ bắt nạt và các nhà lãnh đạo có tư tưởng hậu đế quốc khiến họ cảm thấy mình có thể hành động như những cảnh sát toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo G7 sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh tại St Ives, thuộc vùng Cornwall, miền nam nước Anh, vào ngày 11 - 13.6. Cách đối phó nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Andrei Kelin, nhà ngoại giao chuyên nghiệp nói thông thạo tiếng Anh, Pháp và Hà Lan, cho biết Nga sẽ tiến hành theo các lợi ích địa chính trị của riêng mình và nếu có vấn đề cần được thảo luận thì đối thoại là cách tốt nhất.
"Nhưng G7 thích ngoại giao qua loa hơn. Đây là một câu lạc bộ bày tỏ ý kiến nhất định về các chủ đề khác nhau nhưng không có căn cứ để đánh giá các quốc gia khác về tình trạng dân chủ", ông nói.
Khi được hỏi về những lời chỉ trích của G7 với tình trạng nhân quyền ở Nga, Andrei Kelin nói Mỹ và Anh nên chú ý hơn đến tình trạng dân chủ của chính họ sau các cuộc tấn công vào Điện Capitol (Mỹ) và các vấn đề chủng tộc ở Anh.
"Hãy nhìn lại bản thân trong tình huống này - nhưng họ không muốn nhìn lại chính mình. Không ai cho họ quyền phán xét người khác - đặc biệt là về tình trạng dân chủ", ông Andrei Kelin nói.
Nga được đưa vào nhóm 8 nước (G8) vào năm 1997 dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin nhưng tư cách thành viên của họ đã bị đình chỉ vào năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea.
"Chúng tôi thấy các cuộc thảo luận về chủ đề này: Hãy mời Nga, đừng mời Nga. Thật kỳ lạ với chúng tôi vì chúng tôi không mong muốn một lần nữa trở thành một phần của câu lạc bộ này. Theo quan điểm của chúng tôi, nó đã mất thẩm quyền. Nó gây chia rẽ - có xu hướng chia cắt thế giới thành bạn bè và người ngoài hành tinh: Họ muốn nói về liên minh của những người bạn nhằm chống lại những người khác. Điều này không mang lại giải pháp - nó mang lại nhiều vấn đề hơn cho thế giới", ông Andrei Kelin cho hay.
Ông Andrei Kelin nói Nga quan tâm nhiều hơn đến các diễn đàn khác như G20 (nhóm các nền kinh tế lớn gồm G7, Liên minh châu Âu, Argentina, Úc, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ), BRICs (khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 bởi lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan).