Miến dong Bắc Kạn được cấp chỉ dẫn địa lý

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:11, 21/05/2021

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã ban hành các quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "miến dong Bắc Kạn” và "cá bỗng Hà Giang”.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, nhờ có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ưu đãi, giống cây dong riềng trồng ở Bắc Kạn phát triển tốt, chất lượng hơn hẳn các nơi khác. Miến dong Bắc Kạn có màu trắng xám sáng, hơi đục, hơi ánh vàng, sợi miến khô dai. Ngoài ra, miến dong Bắc Kạn còn có đặc thù về hàm lượng tro không tan (0,030 – 0,036%) và vitamin B1 (6,17 – 9,04 µg/100g tinh bột).

Miến dong Bắc Kạn là sản phẩm được chế biến từ 100% củ dong riềng nguyên liệu được trồng tại 73 xã thuộc 7 huyện và TP.Bắc Kạn của tỉnh Bắc Kạn. Củ dong riềng - nguyên liệu làm miến dong Bắc Kạn có đặc thù về hàm lượng tinh bột ở mức 19,51 - 22,38% và hàm lượng vitamin B1 ở mức 6,60 - 8,06 µg/100g tinh bột. Đây là hai chỉ tiêu có ảnh hưởng trực tiếp tới hàm lượng tro không tan và vitamin B1 trong miến.

ca-bong-ha-giang-mien-dong-bac-kan-duoc-cap-chi-dan-dia-ly.png
Miến dong Bắc Kạn

Ngoài ra, kỹ thuật sản xuất miến dong đặc thù tại khu vực địa lý cũng là điều kiện tạo nên tính chất đặc thù của miến dong Bắc Kạn, đặc biệt là ở công đoạn ngâm, tẩy trắng miến và công đoạn phơi, sấy miến. Tinh bột dong riềng (khô hoặc ướt) được ngâm với nước sạch để làm trắng. Công đoạn khuấy - lắng để làm trắng tinh bột được lặp đi lặp lại từ 3 - 5 lần cho đến khi nước trong như ban đầu đưa vào để khuấy và bột không có mùi chua. Công đoạn này không sử dụng hóa chất tẩy trắng và chất khử chua.

Trong công đoạn phơi sấy, miến sẽ được phơi trên phên hoặc sào khi nhiệt độ ngoài trời trên 300C, độ ẩm dưới 70% trong 5 - 10 giờ. Vào các ngày trời mưa, miến được sấy trong buồng sấy ở nhiệt độ 35 - 400C. Miến được phơi, sấy cho đến khi đạt độ ẩm < 10%. Kỹ thuật phơi sấy chính là yếu tố tạo nên sợi miến khô dai của miến dong Bắc Kạn.

Thu Anh