Angelina Jolie trong bộ ảnh bị ong bâu kín người, kêu gọi bảo tồn loài ong bản địa
Văn hóa - Ngày đăng : 16:58, 21/05/2021
Trong bộ ảnh khá sốc này, nữ diễn viên Angelina mặc váy trễ để lộ phần vai cổ và gương mặt, cơ thể cô bị ong bâu kín.
Theo Daily Mail, đây là bộ ảnh cô hợp tác với National Geographic trong chiến dịch nhân cao nhận thức về việc bảo tồn loài ong.
Để có được bức ảnh tạo ấn tượng trên, Angelina và ê kíp đã phải rất kỳ công. Cô còn phải “nhịn tắm” 3 ngày trước khi thực hiện bộ ảnh.
“Tôi đã không thể tắm trong ba ngày trước đó. Bởi vì họ nói với tôi rằng, nếu trên người tôi có những mùi hương như dầu gội, nước hoa cùng những mùi nhân tạo khác, đàn ong sẽ không đến”, cô kể.
Chưa kể, tóc và cơ thể cô còn phải lau bằng pheromone để quyến rũ loài ong. Tuy nhiên, Angelina Jolie phải nhét vài món đồ chuyên dụng vào mũi và tai để tránh ong chui vào trong cơ thể cô.
Vợ cũ của Brad Pitt cho biết, cô cảm thấy thật đáng yêu khi được kết nối với “những sinh vật dễ thương này”. Theo cô, để có được những khoảnh khắc đẹp với đàn ong, cô phải thực sự "tĩnh lặng" và điều đó không hề dễ dàng chút nào.
“Tôi nghĩ, sinh vật này đôi khi được coi là nguy hiểm hoặc gây đau đớn. Vậy làm thế nào để chúng ta sống với nó? Mục đích là chúng ta chia sẻ hành tinh này. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi nhau… Tôi cảm thấy vinh dự và may mắn khi được trải nghiệm”, cô chia sẻ.
Jolie gần đây, được chỉ định là "mẹ đỡ đầu" cho Women for Bees, một chương trình kéo dài 5 năm do UNESCO và Guerlain, hãng mỹ phẩm Pháp, phát động. Guerlain cho biết họ đã đóng góp 2 triệu USD để đào tạo và hỗ trợ 50 phụ nữ nuôi ong trở thành doanh nhân tại 25 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận trên khắp thế giới.
Những người phụ nữ trong dự án sẽ xây dựng 2.500 tổ ong bản địa cho đến năm 2025, bảo vệ 125 triệu con ong. Trong chiến dịch này, UNESCO sẽ chọn những người đến các quốc gia như Bulgaria, Campuchia, Trung Quốc, Ethiopia, Pháp, Nga, Rwanda và Slovenia để đào tạo trong năm nay còn với những người đến từ các quốc gia như Peru, Indonesia và một số quốc gia khác sẽ tham gia vào năm 2022.
Mục tiêu chính của Women for Bees là làm nổi bật sự đa dạng của các phương thức nuôi ong bản địa, lan tỏa bí quyết chăm sóc ong của các nền văn hóa khác nhau như tại Khu dự trữ sinh quyển Tonle Sap ở Campuchia, những người nuôi ong nuôi các đàn ong trên các cành nghiêng để dễ dàng thu hoạch mật ong mà không phải phá hủy đàn ong.
Theo yêu cầu của UNESCO, theo chương trình Women for Bees, cả đàn ong và sản phẩm đều không được nhập khẩu, để tránh tiêu diệt ong bản địa hoặc lây lan dịch bệnh.