Nhà báo Nhật kể chuyện ở tù, quân đội Myanmar tra tấn tù nhân chính trị dã man
Quốc tế - Ngày đăng : 22:26, 21/05/2021
Sau khi được trả tự do và trở về Nhật Bản, nhà báo Yuki Kitazumi cho biết quân đội Myanmar tra tấn các tù nhân chính trị một cách khủng khiếp.
Hôm 21.5, Yuki Kitazumi nói với các phóng viên trong cuộc họp báo trực tuyến do Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Nhật Bản tổ chức: “Tôi đã nghe nhiều tù nhân nói rằng họ sẽ bị bịt mắt, còng tay sau lưng và bắt quỳ trên sàn bê tông. Nếu phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào chống lại mình, họ sẽ bị đánh bằng gậy. Quân đội tiếp tục việc này trong hai hoặc ba ngày liên tục".
Yuki Kitazumi bị trục xuất về Nhật Bản vào ngày 14.5 sau gần một tháng ở nhà tù Insein (thành phố Yangon), nơi đang giam giữ nhiều tù nhân chính trị. Anh ta bị bắt vào ngày 18.4 và giam giữ vào ngày hôm sau. Một máy tính, máy ảnh và các vật dụng khác đã bị tịch thu. Hầu hết đồ đạc của Yuki Kitazumi đã được trả lại khi anh bị trục xuất về Nhật Bản.
Nhà báo tự do bị buộc tội theo luật hình sự hóa các bình luận có thể gây sợ hãi hoặc lan truyền tin tức sai sự thật. Yuki Kitazumi phủ nhận mọi hành vi sai trái. "Tôi đã hoàn thành vai trò của mình với tư cách là nhà báo, truyền đạt những gì đang xảy ra", anh nói.
Trong khi bị thẩm vấn, Yuki Kitazumi không bao giờ được trình bày một bài báo, video hoặc các bằng chứng khác, anh nói. "Bắt giữ tôi là một cách để truyền tải mối đe dọa đến các nhà báo nước ngoài khác", Yuki Kitazumi cho hay.
Yuki Kitazumi bị giam trong một phòng được xây dựng từ thời thuộc địa của Anh (1824-1948). Anh cho biết nó có diện tích khoảng 4 x 2,5 m. Khu mà Yuki Kitazumi ở được sử dụng để giam giữ các nhân vật quan trọng như cựu quan chức chính phủ, một diễn viên nổi tiếng, các nhà báo nổi tiếng Myanmar và các nhà điều hành truyền thông.
Yuki Kitazumi không bị tra tấn. Những người thẩm vấn chỉ đập bàn một cách đe dọa trong khi hỏi cung anh.
“Điều khó khăn với tôi là cái nóng oi bức của Myanmar, thường lên tới 40 độ C”, Yuki Kitazumi nói. Tháng 4, 5 là thời điểm nóng nhất trong năm ở nhiều vùng Đông Nam Á và những bức tường gạch của phòng giam giữ nhiệt cả ngày lẫn đêm.
Yuki Kitazumi được cho ăn ba lần một ngày, với các bữa ăn thường bao gồm cơm hấp, súp rau và cà ri bí đỏ.
Trong phòng giam, Yuki Kitazumi bị từ chối cho sử dụng bất kỳ vật liệu viết nào nhưng đã cố gắng tạo ra một chiếc bút bằng cách sử dụng lông vũ với cà phê đậm đặc.
Theo đài truyền hình nhà nước Myanmar, Yuki Kitazumi được thả "vì xem xét mối quan hệ thân tình giữa Myanmar với Nhật Bản cho đến nay cũng như quan hệ song phương trong tương lai và theo yêu cầu của đặc phái viên chính phủ Nhật Bản về hòa giải dân tộc của Myanmar".
"Đó là kết quả của những nỗ lực của Đại sứ Ichiro Maruyama và những người khác thông qua nhiều kênh khác nhau", Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản - Toshimitsu Motegi nói.
Hôm 20.5, Toshimitsu Motegi nói với trang Nikkei rằng Nhật Bản sẽ xem xét cắt tất cả hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Myanmar.
"Tôi không tin rằng việc cắt giảm ODA sẽ đủ để giải quyết vấn đề, nhưng đó thực sự sẽ là một thông điệp mạnh mẽ", Yuki Kitazumi nhận định.
Yuki Kitazumi nói các dự án ODA của Nhật Bản ở Myanmar nên được xem xét lại vì chúng không có khả năng hoạt động hiệu quả dưới chế độ quân đội.
Yuki Kitazumi từng là phóng viên của hãng tin Nikkei tại Nhật Bản trước khi chuyển đến Myanmar vào năm 2014 và trở thành tổng biên tập của một tạp chí thông tin địa phương được xuất bản bằng tiếng Nhật. Anh cũng từng là nhà báo tự do ở Myanmar và đưa tin về các vấn đề xã hội cho công ty sản xuất phương tiện truyền thông của riêng mình là Yangon Media Professionals.
Yuki Kitazumi bị bắt và giam giữ hai lần kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2. Lần đầu tiên diễn ra vào ngày 29.2 khi Yuki Kitazumi bị bị bắt khi đang tham gia một cuộc biểu tình chống đảo chính ở Yangon. Thời gian anh bị giam giữ lần đó rất ngắn ngủi.
Quân đội Myanmar đã gặp chút khó khăn khi soán ngôi quyền lực từ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Do Thượng tướng Min Aung Hlain lãnh đạo, quân đội đã đàn áp những người bất đồng chính kiến, bắt giữ và giết những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Đến ngày 20.5, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tổ chức nhân quyền theo dõi tình hình ở Myanmar, đã thống kê được 4.212 vụ bắt giữ có động cơ chính trị và 810 người chết. Con số tăng lên khi các công ty quân sự nắm chặt mọi đòn bẩy quyền lực.
Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 24.4 đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt để thảo luận về Myanmar. Các nhà lãnh đạo, bao gồm cả Thượng tướng Min Aung Hlaing, đã đưa ra đồng thuận 5 điểm yêu cầu Myanmar chấp nhận một đặc phái viên ASEAN để theo dõi tình hình.
Sau cuộc họp, quân đội Myanmar cho biết sẽ chỉ tiếp nhận phái viên sau khi ổn định đất nước.
Yuki Kitazumi cho biết các tù nhân đang sử dụng mọi cách có thể để tìm hiểu về những diễn biến hiện tại bên ngoài nhà tù. Một số hỏi luật sư của họ để biết thông tin, trong khi những người khác lắng nghe những gì các nhân viên cải huấn nói.
“Những người bị quản thúc tại gia như Aung San Suu Kyi có thể biết rất nhiều về tình hình ở Myanmar nếu họ có những người cung cấp thông tin hiểu biết”, Yuki Kitazumi cho hay.
Nhà báo Nhật cũng hồi tưởng về quãng thời gian ở Đông Nam Á. “Đây là nơi tôi đã sống trong 6 năm, đó là ngôi nhà thứ hai của tôi”, anh nói.
Về tình hình sau khi bị trục xuất, Yuki Kitazumi nói sẽ chỉ làm giảm cơ hội quay trở lại Myanmar nhưng "đã hứa với các tù nhân rằng sẽ cho cả thế giới biết”.
“Nhiệm vụ của tôi là truyền tải sự thật về những gì đang xảy ra", Yuki Kitazumi tuyên bố.