Mỹ Latinh vượt mốc 1 triệu ca tử vong do COVID-19
Quốc tế - Ngày đăng : 10:18, 22/05/2021
Hiện nay đại dịch COVID-19 đang khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ Latinh và vùng Caribe trở nên quá tải. Hơn một triệu người chết do dịch bệnh tại Mỹ Latinh và Caribe tính đến ngày 21.5, khu vực có tỷ lệ tử vong bình quân đầu người cao nhất thế giới. Khoảng 31% ca tử vong bởi COVID-19 trên thế giới trong tháng 5 tại Mỹ Latinh và Caribe, nơi sinh sống của 8,4% dân số toàn cầu.
Brazil là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới với 15.970.949 ca nhiễm và 446.309 ca tử vong. Nước này chiếm phần lớn ca tử vong do dịch bệnh tại khu vực Mỹ Latinh. Nằm sâu trong rừng rậm Amazon của Brazil, nhiều cư dân của thành phố Manaus qua đời tại nhà do thiếu oxy vì nguồn cung tại đây cạn kiệt. Các chuyên gia cũng đang đau đầu tìm hiểu nghịch lý chỉ xảy ra ở nước này: số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tử vong cao bất thường sau khi nhiễm COVID-19. Theo Bộ Y tế Brazil, kể từ khi đại dịch bùng phát, 832 trẻ em từ 5 tuổi trở xuống đã chết bởi vi rút. Dữ liệu so sánh rất khan hiếm vì các quốc gia theo dõi tác động của vi rút theo các cách khác nhau, nhưng ở Mỹ, quốc gia có dân số lớn hơn nhiều so với Brazil và ghi nhận số ca tử vong bởi COVID-19 cao hơn, 139 trẻ em từ 4 tuổi trở xuống đã chết.
Tiến sĩ Fatima Marinho, nhà dịch tễ học tại Đại học Sao Paulo, cho biết số ca trẻ em tử vong được công bố của Brazil có thể thấp hơn nhiều con số thực tế, vì việc thiếu xét nghiệm rộng rãi dẫn đến nhiều trường hợp không được chẩn đoán. Marinho, người đang dẫn đầu một nghiên cứu thống kê số trẻ em tử vong dựa trên cả các trường hợp nghi ngờ lẫn xác nhận, ước tính hơn 2.200 trẻ em dưới 5 tuổi đã chết kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó có hơn 1.600 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
"Chúng tôi thấy đại dịch tác động nặng nề đến trẻ em. Đó là một con số cao đến mức phi lý. Chúng tôi không thấy hiện tượng này ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới", Marinho nói.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người hoài nghi về tính hiệu quả của vắc xin và phản đối việc phong tỏa đang bị quốc hội điều tra vì không lên kế hoạch chống dịch toàn quốc và không mua vắc xin kịp thời.
Carlos Lula, người đứng đầu cơ quan y tế bang Maranhao, ngày 20.5 cho biết đã phát hiện những ca đầu tiên nhiễm biến thể nCoV Ấn Độ B.1.617.2. Có 6 thành viên thủy thủ đoàn của tàu Shandong da Zhi, đi từ Nam Phi kết quả dương tính với biến thể.
Tại Peru, nhiều bệnh nhân COVID-19 đã tử vong ngay ở hành lang các bệnh viện đông đúc tại thủ đô Lima. Nước này đã ghi nhận 1.910.360 ca nhiễm và 67.253 ca tử vong, tăng lần lượt 6.745 và 219 trong 24 giờ qua.
Các bác sĩ và chuyên gia dịch tễ học cho biết đại dịch bùng phát khiến chính phủ các quốc gia Mỹ Latinh bất ngờ do không chuẩn bị từ năm ngoái. Tác động của COVID-19 càng trở nên tồi tệ khi lãnh đạo nhiều nước trong khu vực đánh giá thấp tác động của đợt bùng phát mới và không đảm bảo kịp thời nguồn cung vắc xin.
“Thay vì chuẩn bị cho đại dịch, chúng tôi đánh giá thấp và cho rằng cái nóng của thời tiết nhiệt đới sẽ vô hiệu hóa vi rút", tiến sĩ Francisco Moreno Sanchez, người lãnh đạo chương trình chống COVID-19 tại một trong những bệnh viện lớn của Mexico cho biết. “Chúng tôi nằm trong số những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với cách xử lý đại dịch sai lầm nhất và giờ đang phải gánh chịu hậu quả”.