Tàu thám hiểm mang tên vị thần Trung Quốc lần đầu hạ bánh và chạy trên bề mặt sao Hỏa

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:40, 22/05/2021

Hôm 22.5, tàu thám hiểm Chúc Dung đã di chuyển từ khoang hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa. Qua đó, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên lên quỹ đạo, hạ cánh và triển khai một phương tiện chạy trên bề mặt trong sứ mệnh đầu tiên lên sao Hỏa.

Chúc Dung, được đặt theo tên vị thần lửa thần thoại của Trung Quốc, đã đặt bánh xe xuống bề mặt sao Hỏa lúc 10 giờ 40 sáng theo giờ Bắc Kinh, theo bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Trung Quốc.

Trong tháng này, Trung Quốc cùng Mỹ triển khai các phương tiện đổ bộ trên sao Hỏa. Liên Xô cũ đã hạ cánh một chiếc tàu thăm dò vào năm 1971 nhưng nó mất liên lạc vài giây sau đó.

Chúc Dung nặng 240 kg, có 6 bánh xe, một máy ảnh địa hình độ phân giải cao, sẽ nghiên cứu đất và bầu khí quyển trên bề mặt hành tinh đỏ.

Chạy bằng năng lượng mặt trời, Chúc Dung cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống cổ đại, bao gồm bất kỳ nước và băng dưới bề mặt nào, bằng cách sử dụng một radar xuyên đất trong suốt 90 ngày khám phá bề mặt sao Hỏa.

Chúc Dung sẽ di chuyển và dừng lại trong những khoảng thời gian ngắn, với mỗi khoảng ước tính chỉ 10 mét trong 3 ngày, theo bản tin chính thức của China Space News.

Jia Yang, một kỹ sư tham gia sứ mệnh, nói với China Space News rằng: “Sự di chuyển chậm chạp của chiếc xe là do sự hiểu biết về môi trường sao Hỏa còn hạn chế, vì vậy một chế độ làm việc tương đối thận trọng đã được thiết kế đặc biệt”.

Jia Yang cho biết không loại trừ tốc độ sẽ nhanh hơn trong giai đoạn sau tùy thuộc vào trạng thái hoạt động của chiếc xe vào thời điểm đó.

Nhiệt độ sao Hỏa cũng là một vấn đề, ban đêm giảm xuống âm 130 độ C làm đóng băng carbon dioxide, bao phủ bề mặt không bằng phẳng bằng lớp băng khô - một rủi ro địa hình đối với người thám hiểm.

Chúc Dung có một hệ thống treo tự động có thể nâng và hạ khung gầm của nó thêm 60 cm, là chiếc tàu thám hiểm duy nhất có khả năng như vậy, theo China Space News.

Chúc Dung được bao phủ bởi các tấm aerogel nano để bảo vệ cơ thể khỏi cái lạnh.

Các cơn bão bụi cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất điện thông qua các tấm pin mặt trời của Chúc Dung, Jia Yang nói. Để khắc phục điều này, bề mặt bảng được làm bằng vật liệu không thể dễ bám bụi và có thể dễ dàng rũ sạch bụi bằng rung động.

tau-tham-hieu-mang-ten-vi-than-trung-quoc-lan-dau-ha-canh-va-chay-tren-be-mat-sao-hoa.jpg
Ảnh mô phỏng tàu Chúc Dung chạy từ bệ hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa

Tàu vũ trụ Thiên vấn-1 của Trung Quốc đã được phóng từ đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào tháng 7.2020. Sau hơn 6 tháng vận hành, Thiên vấn-1 đã đến sao Hỏa vào tháng 2.2021, nơi nó ở trên quỹ đạo kể từ đó.

Vào ngày 15.5, Chúc Dung đã tách khỏi Thiên vấn-1 và chạm xuống một đồng bằng rộng lớn được gọi là Utopia Planitia.

Những hình ảnh đầu tiên do Chúc Dung chụp đã được Cơ quan vũ trụ Trung Quốc công bố hôm 19.5.

tau-tham-hiem-mang-ten-vi-than-trung-quoc-lan-dau-ha-canh-va-chay-tren-be-mat-sao-hoa2(1).jpg
Ảnh màu được chụp bởi một camera điều hướng phía sau Chúc Dung cho thấy bảng điều khiển năng lượng mặt trời và ăng ten của nó đã mở ra bình thường
tau-tham-hiem-mang-ten-vi-than-trung-quoc-lan-dau-ha-canh-va-chay-tren-be-mat-sao-hoa222.jpg
Ảnh đen trắng được chụp bởi camera điều hướng tránh chướng ngại vật cho thấy đoạn đường dốc và bề mặt phẳng của sao Hỏa nơi Chúc Dung đáp xuống

Thiên vấn-1 là một trong ba tàu thăm dò đã đến sao Hỏa vào tháng 2.2021.

Tàu thám hiểm Perseverance của Mỹ đã chạm bề mặt sao Hỏa vào ngày 18.2 trong một vùng trũng khổng lồ có tên là Jezero Crater, cách Utopia Planitia hơn 2.000 km.

Hope - tàu vũ trụ thứ ba sẽ đến vào tháng 2.2021 - không được thiết kế để hạ cánh. Do UAE phóng, Hope quay quanh sao Hỏa, thu thập dữ liệu về thời tiết và bầu khí quyển của nó.

Perseverance và Chúc Dung là hai trong những tàu thám hiểm hoạt động trên sao Hỏa.

Hai tàu đổ bộ cũ của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) vẫn đang hoạt động trên sao Hỏa: Curiosity vào năm 2012 và InSight vào năm 2018.

Curiosity là chiếc xe tự hành có kích thước bằng chiếc ô tô được thiết kế để khám phá miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa như một phần của sứ mệnh Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa của NASA. Mục tiêu của Curiosity gồm điều tra về khí hậu và địa chất sao Hỏa; đánh giá xem liệu các khu vực được lựa chọn bên trong miệng núi lửa Gale có thể cung cấp điều kiện môi trường thuận lợi cho cuộc sống của vi sinh vật hay không, trong đó có điều tra về vai trò của nước; và các nghiên cứu về khả năng sinh sống trên hành tinh đỏ để chuẩn bị cho sự khám phá của con người.

Tàu InSight từng hạ cánh xuống một đồng bằng trên sao Hỏa mang tên là Elysium Planitia năm 2018. InSight đã phát hiện hơn 500 trận động đất trên sao Hỏa, ghi nhận hơn 10.000 trận quỷ cát (lốc cát) đi qua và bắt đầu đo lõi của hành tinh đỏ. Song trong vài tháng qua, InSight đã phải chiến đấu để sống còn khi thời tiết sao Hỏa khắc nghiệt đe dọa làm robot tê liệt.

Giám đốc NASA - Bill Nelson đánh giá vụ đáp tàu thám hiểm sao Hỏa mà Trung Quốc vừa thực hiện báo trước cuộc cạnh tranh trên không gian khốc liệt trong tương lai.

Điều trần trước Tiểu ban Phân bổ ngân sách thuộc Hạ viện Mỹ về yêu cầu ngân sách dành cho chương trình không gian năm 2022, ông Nelson cho biết Trung Quốc là đối thủ rất tích cực cạnh tranh.

"Họ đang chuẩn bị sẵn sàng và tuyên bố công khai tham vọng gửi ba tàu đổ bộ lên cực nam Mặt Trăng nơi có nước. Còn chúng ta vẫn cần 1 - 2 năm nữa”, Giám đốc NASA trình bày.

Ông Bill Nelson dẫn báo cáo giấu tên cho biết Trung Quốc đang xem xét khả năng thực hiện chuyến bay đến Mặt trăng trong thập kỷ này, đồng thời hối thúc Mỹ cố gắng vượt qua khó khăn, nghiêm túc hơn với nỗ lực đưa con người quay lại Mặt trăng một lần nữa.

Nhân Hoàng