Moderna cân nhắc sản xuất vắc xin COVID-19 ở châu Á

Thông tin Y học - Ngày đăng : 07:55, 23/05/2021

Hãng dược Moderna đang thảo luận vấn đề sản xuất vắc xin COVID-19 với một số quốc gia châu Á, trong đó có Nhật Bản.

Thông tin trên được Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel tiết lộ trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Nikkei Asian Review. Sự việc diễn ra không lâu sau khi Bộ Y tế Nhật phê duyệt sử dụng vắc xin của Moderna và AstraZeneca - giúp nước này có nguồn bổ sung bên cạnh vắc xin của Pfizer đang dùng.

Về vấn đề sản xuất vắc xin, có khả năng Moderna sẽ ký hợp đồng sản xuất hoặc thương lượng thỏa thuận cấp phép sản xuất. Đàm phán với vài đơn vị Nhật hiện chỉ mới ở giai đoạn đầu.

Giám đốc Bancel đánh giá Nhật có nguồn lao động chất lượng cao cũng như năng lực nghiên cứu và Moderna rất hứng thú với việc mở rộng hoạt động sản xuất lẫn kinh doanh sang châu Á. Ông Bancel hoan nghênh việc Bộ Y tế Nhật phê duyệt vắc xin của hãng ngay trước thềm Olympic Tokyo.

health-coronavirus-lonza-swiss.jpg
Moderna có khả năng ký hợp đồng sản xuất hoặc thương lượng cấp phép sản xuất cho đối tác châu Á - Ảnh: Reuters

Nhật hiện đã bắt đầu nhập khẩu vắc xin COVID-19 của Moderna sản xuất từ nhà máy ở châu Âu. Vắc xin sẽ được tiêm tại điểm chủng ngừa trên địa bàn Tokyo và Osaka do lực lượng phòng vệ lập nên, cùng hàng loạt điểm khác thuộc quản lý của chính quyền các tỉnh thành.

Theo hợp đồng ký với Moderna, Nhật Bản dự kiến nhận 50 triệu liều vào tháng 9 tới. Hai bên đang thảo luận về việc mua thêm vắc xin. Giám đốc Bancel cho biết: “Chúng tôi đủ sức cung cấp nếu họ muốn 50 triệu liều trong năm 2022”.

Moderna hiện cố gắng nâng cao năng suất nhằm đáp ứng nhu cầu vắc xin COVID-19 khổng lồ trên toàn cầu. Công ty đặt mục tiêu nâng sản lượng lên 3 tỉ liều vào năm 2022.

Các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương hiện rất khó mua được vắc xin COVID-19 của Moderna hay Pfizer do cung không đủ cầu, trong khi phương Tây tìm cách tích trữ bằng cách hạn chế xuất khẩu vắc xin sản xuất tại nước họ. Nhận thấy tầm quan trọng của tự chủ nguồn cung, chính phủ Úc, Hàn Quốc, Singapore đều đang chạy đua xây dựng các cơ sở sản xuất.

Cẩm Bình