Bộ KH-CN giao nhiệm vụ cho Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:44, 24/05/2021
Lãnh đạo Bộ KH-CN giao trực tiếp nhiệm vụ KH-CN “Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bộ tài liệu hướng dẫn thống nhất truy xuất nguồn gốc ở một số lĩnh vực và tổ chức đào tạo, phổ biến ở một số tỉnh, thành phố” cho Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Với nhiệm vụ KH-CN này, Bộ KH-CN định hướng mục tiêu cụ thể là phát triển được một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bộ tài liệu hướng dẫn cho việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất, tạo thuận lợi cho quá trình xuất nhập khẩu.
Trên cơ sở mục tiêu được đề ra, lãnh đạo Bộ yêu cầu Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia dự thảo 10 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, ưu tiên các lĩnh vực như thực phẩm, thủy sản, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh để trình Bộ KH-CN công bố.
Bên cạnh đó là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (trình Bộ KH-CN ban hành).
Bộ tài liệu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đáp ứng các yêu cầu, điều kiện của tối thiểu 4 thị trường mục tiêu quốc tế để hướng tới thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa lẫn nhau, phục vụ xuất nhập khẩu; còn Bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông sản phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đi Trung Quốc...
Bên cạnh nhiệm vụ KH-CN xét giao trực tiếp cho Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, lãnh đạo Bộ KH-CN còn phê duyệt 2 nhiệm vụ KH-CN cấp bộ đặt hàng để tuyển chọn bắt đầu thực hiện từ năm 2021.
Cụ thể, với nhiệm vụ KH-CN “Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu kỹ thuật đo cho các lĩnh vực đo lường giai đoạn 2021-2023”, Bộ KH-CN đặt mục tiêu chuẩn hóa và phát triển các bộ tài liệu kỹ thuật đo lường, bao gồm kiến thức cơ bản và chuyên sâu của các lĩnh vực đo lường để làm tài liệu, phục vụ cho hoạt động đo lường. Trên cơ sở mục tiêu đó, sản phẩm dự kiến đạt được 25 tài liệu kỹ thuật đo cho 12 lĩnh vực đo độ dài, khối lượng, nhiệt độ, âm - rung...
Ở đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống kiểm định đồng hồ đo nước lạnh đến DN100 lưu động và thiết bị giả lập trạng thái dòng rối do lắp đặt hiện trường”, Bộ KH-CN yêu cầu hệ thống kiểm định đồng hồ đo nước lạnh đến DN100 lưu động đạt được các đặc trưng kỹ thuật đo lường chính, bao gồm độ chính xác trên dưới 0,2% đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về hệ thống chuẩn theo yêu cầu của ĐLVN 17:2007 đồng hồ đo nước - quy trình kiểm định; có thể điều khiển tự động thiết lập lưu lượng kiểm định và thể tích kiểm định...
Bộ thiết bị giả lập trạng thái dòng rối cần đạt được các tính năng như tạo ra dòng rối lắp đặt không đúng tại hiện trường, gồm biến dạng biên dạng vận tốc và xoáy; kích thước phù hợp với các cỡ đường ống đến 100mm.