Quân đội Myanmar bắt nhà báo Mỹ ở sân bay, giam trong nhà tù chính trị khét tiếng
Quốc tế - Ngày đăng : 07:11, 25/05/2021
Danny Fenster (37 tuổi) đã bị chặn lại tại sân bay Yangon khi anh ta cố gắng lên chuyến bay rời khỏi đất Myanmar, anh trai nhà báo này - Bryan Fenster nói với CNN.
Danny Fenster, công dân Mỹ gốc Detroit, Michigan, sống ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar và làm việc cho trang tin Frontier Myanmar.
"Quản lý biên tập viên của Frontier, Danny Fenster, đã bị giam giữ tại Sân bay Quốc tế Yangon vào sáng nay ngay trước khi anh lên chuyến bay đến Kuala Lumpur. Chúng tôi không biết tại sao Danny bị giam giữ và không thể liên lạc với anh ấy kể từ sáng nay. Chúng tôi lo lắng cho sức khỏe của anh ấy và kêu gọi thả anh ngay lập tức. Ưu tiên của chúng tôi lúc này là đảm bảo anh ấy an toàn và cung cấp cho anh bất cứ sự trợ giúp nào mà anh cần", trang Frontier Myanmar cho biết.
Frontier Myanmar cũng cho biết Danny Fenster đã được chuyển đến Insein, một trong những nhà tù chính trị khét tiếng nhất đất nước, được biết đến với tình trạng tồi tệ và nằm gần Yangon.
Bryan Fenster cho biết em trai đang bay đến Mỹ để tạo sự ngạc nhiên cho cha mẹ, người mà anh đã không gặp trong hơn 2 năm. Gia đình lo lắng về sự an toàn của Danny Fenster sau cuộc đảo chính quân sự, cảm thấy sốc và lo lắng trước tin tức anh bị giam giữ, Bryan Fenster nói và gọi đó là một "cơn ác mộng."
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cơ quan này đã biết tin trên: "Chúng tôi biết các báo cáo về một công dân Mỹ bị giam giữ ở Myanmar. Chúng tôi nghiêm túc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ công dân Mỹ ở nước ngoài và đang theo dõi tình hình. Do cân nhắc về quyền riêng tư, chúng tôi không có bình luận gì thêm".
Việc giam giữ Danny Fenster diễn ra hơn 3 tháng sau khi quân đội Myanmar giành chính quyền trong cuộc đảo chính vào ngày 1.2, bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và các nhân vật được bầu cử dân chủ khác, cắt truy cập internet và không phát sóng các kênh tin tức.
Quân đội Myanmar biện minh cho việc tiếp quản chính quyền bằng cáo buộc gian lận cử tri phổ biến trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11.2020, mang lại cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi chiến thắng áp đảo khác. Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng cuộc đảo chính trên thực tế là do quyền lực thúc đẩy và tham vọng cá nhân của chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing, người cảm thấy mình đang mất kiểm soát và không được tôn trọng.
Việc đảo chính đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn và các lực lượng an ninh đã đáp trả bằng cuộc đàn áp tàn bạo chống lại bất kỳ sự phản đối nào. Chính quyền đã bắn những người biểu tình ôn hòa, giết hơn 810 người và bắt giữ hơn 2.100 người, bao gồm cả các nhà báo, nhà hoạt động và quan chức chính phủ, thường xuyên đột kích vào ban đêm, theo nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
Hôm 18.4, quân đội Myanmar bắt nhà báo Nhật Bản tên Yuki Kitazumi và giam giữ vào ngày hôm sau cũng trong nhà tù Insein.
Nhà báo tự do bị buộc tội theo luật hình sự hóa các bình luận có thể gây sợ hãi hoặc lan truyền tin tức sai sự thật. Yuki Kitazumi phủ nhận mọi hành vi sai trái. "Tôi đã hoàn thành vai trò của mình với tư cách là nhà báo, truyền đạt những gì đang xảy ra", anh nói.
Trong khi bị thẩm vấn, Yuki Kitazumi không bao giờ được trình bày một bài báo, video hoặc các bằng chứng khác, anh nói. "Bắt giữ tôi là một cách để truyền tải mối đe dọa đến các nhà báo nước ngoài khác", Yuki Kitazumi cho hay.
Yuki Kitazumi bị giam trong một phòng được xây dựng từ thời thuộc địa của Anh (1824-1948). Anh cho biết nó có diện tích khoảng 4 x 2,5 m. Khu mà Yuki Kitazumi ở được sử dụng để giam giữ các nhân vật quan trọng như cựu quan chức chính phủ, một diễn viên nổi tiếng, các nhà báo nổi tiếng Myanmar và các nhà điều hành truyền thông.
Yuki Kitazumi không bị tra tấn. Những người thẩm vấn chỉ đập bàn một cách đe dọa trong khi hỏi cung anh.
“Điều khó khăn với tôi là cái nóng oi bức của Myanmar, thường lên tới 40 độ C”, Yuki Kitazumi nói. Tháng 4, 5 là thời điểm nóng nhất trong năm ở nhiều vùng Đông Nam Á và những bức tường gạch của phòng giam giữ nhiệt cả ngày lẫn đêm.
Yuki Kitazumi được cho ăn ba lần một ngày, với các bữa ăn thường bao gồm cơm hấp, súp rau và cà ri bí đỏ.
Trong phòng giam, Yuki Kitazumi bị từ chối cho sử dụng bất kỳ vật liệu viết nào nhưng đã cố gắng tạo ra một chiếc bút bằng cách sử dụng lông vũ với cà phê đậm đặc.
Đến ngày 14.5, Yuki Kitazumi được trả tự do và bị trục xuất về Nhật Bản sau gần một tháng ở nhà tù Insein.
Sau khi trở về Nhật Bản, Yuki Kitazumi cho biết quân đội Myanmar tra tấn các tù nhân chính trị một cách khủng khiếp: “Tôi đã nghe nhiều tù nhân nói rằng họ sẽ bị bịt mắt, còng tay sau lưng và bắt quỳ trên sàn bê tông. Nếu phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào chống lại mình, họ sẽ bị đánh bằng gậy. Quân đội tiếp tục việc này trong hai hoặc ba ngày liên tục".
Theo đài truyền hình nhà nước Myanmar, Yuki Kitazumi được thả "vì xem xét mối quan hệ thân tình giữa Myanmar với Nhật Bản cho đến nay cũng như quan hệ song phương trong tương lai và theo yêu cầu của đặc phái viên chính phủ Nhật Bản về hòa giải dân tộc của Myanmar".
"Đó là kết quả của những nỗ lực của Đại sứ Ichiro Maruyama và những người khác thông qua nhiều kênh khác nhau", Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản - Toshimitsu Motegi nói.
Yuki Kitazumi từng là phóng viên của hãng tin Nikkei tại Nhật Bản trước khi chuyển đến Myanmar vào năm 2014 và trở thành tổng biên tập của một tạp chí thông tin địa phương được xuất bản bằng tiếng Nhật. Anh cũng từng là nhà báo tự do ở Myanmar và đưa tin về các vấn đề xã hội cho công ty sản xuất phương tiện truyền thông của riêng mình là Yangon Media Professionals.
Yuki Kitazumi bị bắt và giam giữ hai lần kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2. Lần đầu tiên diễn ra vào ngày 29.2 khi Yuki Kitazumi bị bị bắt khi đang tham gia một cuộc biểu tình chống đảo chính ở Yangon. Thời gian anh bị giam giữ lần đó rất ngắn ngủi.