Người dân Philippines đối mặt với nạn đói do bó gối trong đại dịch COVID-19
Quốc tế - Ngày đăng : 09:36, 25/05/2021
Với chín người con và một đứa cháu, cuộc sống của Mona Liza Vito và gia đình rất khó khăn ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.
Vito từng làm công việc bóc tỏi trong nhiều giờ mà chỉ kiếm được khoảng 2 USD một ngày, trong khi người chồng làm công nhân xây dựng. Nhưng bây giờ công việc của họ cũng chẳng còn và họ là nạn nhân của sự suy thoái kinh tế ở Philippines sau nhiều đợt phong tỏa vì đại dịch coronavirus. Và cố gắng nuôi nhiều miệng ăn đã trở thành một cuộc đấu tranh sinh tồn hàng ngày.
“Chúng tôi không có bất cứ thứ gì để kiếm thức ăn cho các con tôi, cho các chi phí hàng ngày của chúng tôi”, Vito nói. "Có khi buổi tối không có cái gì ăn, chỉ có thể chờ ngày sau".
Vito sống tại Khu ổ chuột Baseco, một trong những khu vực nghèo nhất của Manila, nơi gần 60.000 người bị nhồi nhét trên một mảnh đất khai hoang ở khu vực cảng của thủ đô. Các khu ổ chuột kiểu này hầu như chỉ dựa vào hoạt động kinh tế xung quanh bến tàu - hầu hết trong số đó hiện đã phải dừng lại. Và các cuộc phong tỏa còn cấm luôn đánh bắt cá trên biển, vốn là phao cứu sinh cho nhiều người.
Nadja de Vera, điều phối viên dự án của tổ chức địa phương, Tulong Anakpawis, cho biết: "Nếu họ không bắt được cá thì không có gì để ăn. Một số chỉ sống bằng cơm cháy và muối với nước. Số lượng nghèo đói ở đây thật sự gây sốc".
Philippines là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Theo Ngân hàng Thế giới, đến cuối năm 2020, gần một phần tư người Philippines sống trong cảnh nghèo đói, kiếm được khoảng 3 USD một ngày.
Hơn 3 triệu trẻ em ở Philippines bị suy dinh dưỡng và 618.000 trẻ em được xếp vào nhóm "gầy còm" - được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là nhẹ cân so với tỷ lệ chiều cao, thường xảy ra do ăn uống không đủ chất hoặc bệnh tật kéo dài.
'Ăn một bữa một ngày'
Tình trạng hỗn loạn kinh tế bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte áp đặt một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ đô Manila và các khu vực lân cận kéo dài nhiều tháng.
Sau đó, các hạn chế được nới lỏng rồi thắt chặt tùy theo số trường hợp lây nhiễm. Đợt phong tỏa toàn quốc gần nhất, được áp dụng vào tháng 3, bắt đầu nới dần vào giữa tháng 5, sau khi số ca hằng ngày giảm xuống dưới mức 10.000.
Tuy nhiên, với hơn 5.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày hiện giờ, mối đe dọa của dịch bệnh vẫn còn, cũng như khó khăn về kinh tế.
Vera đã tổ chức một bếp ăn cộng đồng cung cấp thức ăn cho những người đói ở Baseco. Có hàng trăm "ngân hàng lương thực" kiểu đó đã mọc lên trên khắp đất nước để giúp chống lại cuộc khủng hoảng đói ngày càng gia tăng. Bếp ăn cộng đồng nhận tiền quyên góp từ nông dân, ngư dân hay bất cứ ai có đủ khả năng, sau đó phân phát thực phẩm cho những người cần nhất. Phương châm của họ là: “Cho những gì bạn có thể, nhận những gì bạn cần”.
Khi có thông tin về nhà bếp sắp đến cứu đói ở nơi nào đó là có hàng trăm người đã xếp hàng vào lúc bình minh để chờ nhận được một túi thức ăn nhỏ. “Điều những người này cần là khẩn cấp. Nhiều người ở đây chỉ có thể đủ tiền để ăn một lần một ngày", Vera cho biết
Vera nói rằng các nhà bếp đang gắn kết các cộng đồng lại với nhau, mang lại cho các gia đình đói nghèo những mặt hàng thiết yếu họ cần để tồn tại trong bối cảnh sự hỗ trợ của chính phủ là rất ít.
Vera nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài tổ chức một cái gì đó kiểu như thế này. Tôi hy vọng chính phủ biết rằng đây là một lời kêu gọi hành động đối với người nghèo, rằng mọi người sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau và chúng tôi hy vọng rằng những thứ cần thiết cuối cùng sẽ đến tay những người thực sự cần nó".
Trong thời gian đại dịch, chính phủ đã phân phát các túi thực phẩm hay tiền mặt trị giá 4.000 peso (80 đô la) cho người nghèo. Vito, người phụ nữ nghèo đầu bài báo cho biết mình đã dùng số tiền đó để trả nợ cửa hàng, mua thuốc và trang trải một số chi phí sinh hoạt của gia đình.
Nhưng Vito nói rằng nó gần như là không đủ, vì vậy bếp ăn cộng đồng đã trở thành nơi nuôi sống thường xuyên duy nhất của gia đình mình. “Tôi rất biết ơn. Cơm và rau của chúng tôi được phát miễn phí. Các con tôi không còn đói nữa".