Bị vợ cắt lìa dương vật, chồng được bác sĩ nối thành công như thế nào?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:23, 25/05/2021
Trong lúc đang ngủ say, anh T.C.T. (40 tuổi) đã bị vợ dùng kéo cắt đứt lìa dương vật. Sau đó, anh T. được chính vợ mình đưa đi cấp cứu tại tuyến y tế cơ sở, rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Nguyên nhân được xác định do 2 chợ chồng mâu thuẫn tình cảm với nhau.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tuân - Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân đã mất khá nhiều máu lúc nhập viện. Phần dương vật bị đứt lìa cũng đã được bảo quản và gửi kèm theo. Ê kíp trực của khoa Ngoại tiết niệu đã lập tức khám và ghi nhận một vết thương đứt lìa dương vật, vị trí vết thương cách quy đầu khoảng 1cm, vết cắt rất sắc gọn.
Trước tình huống cấp bách, toàn bộ các quy trình tại Khoa Cấp cứu, quy trình xét nghiệm COVID-19 và chuyển bệnh nhân lên phòng mổ đã được các y bác sĩ thực hiện một cách nhanh nhất có thể để tiết kiệm “thời gian vàng” trong việc phẫu thuật cho bệnh nhân.
“Với sự phối hợp nhanh chóng và chính xác, ê kíp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Ngay sau khi nối xong, tại bàn mổ, các bác sĩ đã ghi nhận được tình trạng tưới máu tới dương vật. Sau 10 ngày phẫu thuật, đến chiều nay (25.5), phần quy đầu đã hồng hào, tình trạng tưới máu tại chỗ rất tốt. Bệnh nhân được xuất viện với tiên lượng rất khả quan về khả năng phục hồi của phần dương vật được nối”, bác sĩ Tuân cho hay.
Theo bác sĩ Tuân, có rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện ca phẫu thuật để nối dương vật đứt lìa này. Dương vật đứt lìa của bệnh nhân đưa đến bệnh viện quá trễ nên bị thiếu máu nóng khá lớn. Thời gian kể từ lúc bị cắt đến lúc đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy là 7 giờ, trong khi thời gian tối ưu với những trường hợp này là dưới 6 giờ.
Dương vật bị cắt bằng một cây kéo, đòi hỏi các bác sĩ phải xử trí vết thương, rửa phần bị đứt rời đúng cách để tránh bị nhiễm trùng.
Để nối dương vật của bệnh nhân trong tình trạng đứt lìa như trên, đòi hỏi phải sử dụng kính vi phẫu chuyên dụng, đồng thời phẫu thuật viên phải được đào tạo về phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật mạch máu…
PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đứt lìa dương vật là dạng biến cố không thường gặp trong y khoa. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm Khoa ngoại tiết niệu tiếp nhận từ 5 đến 10 trường hợp tương tự. Thống kê tại Mỹ cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng 250 trường hợp bị đứt lìa dương vật, với tỷ lệ tử vong lên tới 9%.
Đứt lìa dương vật thường xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân chính, đó là bệnh nhân tự cắt (do trầm cảm, rối loạn tâm thần); bị vợ, bạn gái… cắt (do ghen tuông, mâu thuẫn về tình cảm), hoặc do tai nạn (tai nạn lao động, tai nạn giao thông…).
“Theo nguyên tắc xử lý một cơ quan đứt lìa, thời gian để xử lý tình trạng đứt lìa dương vật được khuyến cáo là trong vòng tối đa 6 giờ. Tuy nhiên, nếu phần dương vật bị đứt lìa cũng như vết thương ở dương vật được xử lý đúng cách ngay từ đầu, thời gian này có thể kéo dài thêm mà vẫn có khả năng phẫu thuật thành công. Trước đây, bệnh viện cũng từng nhiều lần phẫu thuật nối thành công dương vật sau 9 đến 10 giờ kể từ khi bị đứt lìa”, bác sĩ Sâm chia sẻ.
Trong trường hợp xảy ra sự cố đứt lìa dương vật, bác sĩ Sâm cho biết nên nhanh chóng làm sạch phần dương vật bị đứt lìa, quấn trong một chiếc gạc sạch, sau đó bỏ vào trong 2 lớp túi nilon, cột chặt miệng túi lại và bỏ túi vào môi trường nước đá đang tan (không để phần dương vật bị đứt lìa tiếp xúc trực tiếp với nước đá). Phần đầu gần (vết thương trên thân thể bệnh nhân) nên được băng ép lại để cầm máu. Sau đó, lập tức chuyển bệnh nhân và dương vật bị đứt lên các cơ sở y tế chuyên sâu để nối lại.
“Đứt lìa dương vật, trong rất nhiều trường hợp, không chỉ liên quan đến vấn đề y khoa mà còn là vấn đề của xã hội và pháp luật. Một khi xảy ra sự cố, mọi người cần chú ý đến nguyên tắc xử lý ban đầu là bảo quản trong môi trường lạnh và tôn trọng 'thời gian vàng' thì mới có thể cấp cứu và phẫu thuật thành công cho bệnh nhân”, bác sĩ Sâm khuyến cáo.