Chủ tịch Bắc Giang giải thích việc cho công nhân trở lại 4 khu công nghiệp
Sự kiện - Ngày đăng : 06:27, 27/05/2021
Bắc Giang đang là tâm dịch ở nước ta với số ca mắc COVID-19 vượt qua mốc 1.500 (chính xác tính đến sáng nay là 1543). Dù vậy, Bắc Giang vẫn cho phép người lao động ở vùng cách ly xã hội được phép quay trở lại làm việc tại một số công ty trong 4 khu công nghiệp (KCN) Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng.
Sống chung với dịch
Chủ tịch Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định: Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước và sẽ phải thêm nhiều thời gian nữa, khi toàn bộ người dân được tiêm vắc xin thì mới có khả năng được kiểm soát hoàn toàn. Vì vậy, song song với chống dịch, các địa phương đều phải xây dựng phương án sống chung an toàn với dịch, về lâu dài không thể để dứt gãy hoạt động kinh tế.
Riêng Bắc Giang, ông Dương cho biết hiện nay, tỉnh tiếp tục ghi nhận các ca F0 tăng hằng ngày, tuy nhiên, chủ yếu là các trường hợp công nhân lao động đã được cách ly tập trung, 18 trường hợp trong cộng đồng hầu hết là người thân của F0 là công nhân lao động. Dự báo trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tiếp tục tăng do hiện nay, tỉnh đang tiến hành xét nghiệm lần 3 đối với tất cả công nhân trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bắc Giang đã chuyển trạng thái từ chống dịch trong khu công nghiệp là chính sang chống dịch tại cộng đồng. Đây là giai đoạn mang tính quyết định. Tỉnh đã nâng mức độ chống dịch lên cao nhất như: “Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi thực hiện công vụ, công nhân đi làm việc, đưa người đi cấp cứu, thành viên Tổ COVID cộng đồng đi hoạt động kiểm tra, giám sát; cơ quan đơn vị bố trí cán bộ làm việc luân phiên hoặc làm việc trực tuyến...”.
Về tính an toàn trong các KCN
Về việc đảm bảo an toàn trong việc khôi phục sản xuất tại 4 KCN, theo ông Dương, Bắc Giang đã có đánh giá rất kỹ các điều kiện, nguy cơ trước khi quyết định mở cửa trở lại hoạt động 4 KCN trong thời gian này. Tỉnh đã xét nghiệm toàn bộ công nhân 4 KCN và đang thực hiện xét nghiệm lần 2; các ca F0 tăng đều là tăng trong số người đã cách ly và một số là người nhà tiếp xúc gần với công nhân.
Những công nhân có thể quay trở lại làm việc đều phải là những người đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm và có 2 lần xét nghiệm âm tính với COVID-19; giai đoạn đầu chỉ ưu tiên các doanh nghiệp bố trí được nơi ở tập trung cho người lao động tại doanh nghiệp hoặc có KTX riêng biệt. Người lao động ngoài nơi ở tập trung và nơi làm việc tuyệt đối không được tiếp xúc cộng đồng.
Người lao động ở vùng cách ly xã hội đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9.5.2021 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm PCR kết quả âm tính với COVID -19 (kể từ ngày 9.5.2021 trở lại đây), trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp 1 ngày thì được quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc quay trở lại sẽ bảo đảm các điều kiện hết sức nghiêm ngặt về an toàn, phòng chống dịch.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bố trí phương tiện đón người lao động từ nơi cư trú tới nơi ở tập trung tại doanh nghiệp ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và thực hiện xét nghiệm COVID-19. Sau khi có kết quả âm tính, người lao động mới được trở lại làm việc. Trong quá trình sản xuất, người lao động phải ở nơi ở tập trung do doanh nghiệp bố trí tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá của doanh nghiệp và không được tiếp xúc cộng đồng.
Mở cửa KCN giúp giải quyết 3 vấn đề
Ông Dương khẳng định việc mở cửa trở lại các KCN với các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch trong sản xuất vào lúc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng; giúp giải quyết 3 vấn đề.
Một là, giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội; từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động; khôi phục lại môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hai là, xây dựng được mô hình doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động an toàn trong điều kiện có dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
Ba là, giúp khôi phục lại hoạt động cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại 4 KCN trên rất nhiều doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Các nhà máy nằm trong hệ thống sản xuất của các tập đoàn trên nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… và các nước trên thế giới. Vì vậy, nhà máy ở Bắc Giang dừng hoạt động thì không thể cung cấp nguyên liệu đầu vào hoặc không thể hoàn thiện sản phẩm cuối cùng cho chuỗi các nhà máy khác của các tập đoàn. Điều này dẫn tới không chỉ doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn Bắc Giang bị ảnh hưởng mà còn làm đứt gãy hoạt động sản xuất tại các địa phương khác, ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của cả nước.