Các FTA hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh hơn sau đại dịch
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:23, 29/05/2021
Duy trì tăng trưởng dương một phần nhờ các FTA
Việt Nam đã ký kết và thực hiện 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng các FTA đã tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu.
Theo đó, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển bình đẳng với các DN khác trong nền kinh tế, dù đó là các DNNN, tư nhân, DN lớn hay nhỏ, trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu của các DN Việt Nam sẽ được mở rộng khi mức thuế suất được giảm về bằng hoặc gần bằng 0% và các hàng rào phi thuế quan được dỡ bỏ.
Cùng với đó, các DN có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn trong thương mại, dịch vụ và đầu tư, ít rào cản hơn; tiếp cận dễ dàng với các thị trường thiết bị, máy móc có trình độ KH-CN cao của các quốc gia hàng đầu trên thế giới; có khả năng tiếp cận nguồn vốn dồi dào, giá rẻ từ thị trường các quốc gia tham gia các FTA.
Bên cạnh đó, các DN của mọi khu vực kinh tế có cơ hội được tham gia đấu thầu minh bạch, công khai khi mở cửa thị trường mua sắm, đầu tư công tại các quốc gia tham gia hiệp định.
“Đây là cơ hội để các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh và vươn tầm phát triển trong việc cung cấp hàng hóa và thực hiện các dự án công theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia này cho rằng các hiệp định sẽ tạo cơ hội tốt cho các DN trong nước và các DN FDI tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động, chống sử dụng lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử trong lực lượng lao động, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động.
Ngoài ra, các DN Việt Nam sẽ được hưởng những tác động tích cực từ việc các cơ quan quản lý nhà nước cần cải cách và thay đổi thể chế, hoàn chỉnh các luật và các quy định pháp lý nhằm tuân thủ những cam kết chung của hiệp định.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Ông Thịnh cho rằng các DN Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa của các DN trong các quốc gia có ký kết tràn vào thị trường do thuế quan thấp và sự xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, thị phần hàng hóa của DN Việt Nam sẽ bị thu hẹp lại, thậm chí là nguy cơ mất thị phần nội địa.
Tham gia các FTA đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường dịch vụ, là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất từ trước đến nay. Các DN dịch vụ Việt Nam chưa thực sự phát triển sẽ đối mặt nguy cơ cạnh tranh khốc liệt, thậm chí bị thôn tính hay phá sản.
Thách thức tiếp theo từ việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh… và các ràng buộc mang tính thủ tục trong các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ. Đây là đòi hỏi làm chi phí sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam tăng cao, gây khó khăn trong cạnh tranh về giá.
Bên cạnh đó, việc chứng minh xuất xứ của nguyên liệu đầu vào để được hưởng các ưu đãi của các quốc gia trong hiệp định. Mỗi hiệp định đều có đòi hỏi chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các nguyên vật liệu và bộ phận, linh phụ kiện cấu thành đạt tỷ lệ nội khối mới được hưởng ưu đãi.
Một thách thức nữa đến từ việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian và mức độ bảo hộ đối với chủ sở hữu sáng chế dược phẩm, quyền tác giả... được tăng lên. Đồng thời bắt buộc xử lý hình sự đối với vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tập trung vào các vi phạm đối với nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả và quyền liên quan.
Nhận định chung, ông Thịnh cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề bởi chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19, cùng với việc kiềm chế được sự bùng phát của đại dịch, việc thực hiện các FTA đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm nhỏ các nền kinh tế thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương.
Các FTA hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh hơn
Theo chuyên gia Phan Tiến Nam (Học viện Tài chính), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% và tăng lên 7% trong năm 2022 bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19.
Trong đó, triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.
“Dù sự sự hiện diện của các nước phương Tây trong số các đối tác FDI hàng đầu vẫn còn khá thấp nhưng hiện Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI chất lượng cao, sau những giai đoạn căng thẳng đầu tiên của đại dịch COVID-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, ông Nam nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Để đón đầu làn sóng này, ông Nam cho rằng Việt Nam đã có nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng được nâng cao cũng là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam với gần 100 triệu dân là một thị trường hấp dẫn và bùng nổ và các FTA thế hệ mới là động lực đáng kể cho đầu tư từ các thành viên. Hơn nữa, Việt Nam là một phần của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Do đó, đầu tư nước ngoài từ các đối tác ký kết EVFTA và CPTPP sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường 650 triệu dân năng động của ASEAN và thị trường của các đối tác FTA của ASEAN.
Một số hãng công nghệ khổng lồ và các tập đoàn đa quốc gia như LG Electronics, Panasonic, Foxconn, Apple... đã chuyển dây chuyền sản xuất, mở rộng đầu tư về Việt Nam. Ngoài ra, có những quốc gia, công ty có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi các địa điểm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và căng thẳng thương mại, chẳng hạn như Trung Quốc.
Do đó, ông Nam cho rằng việc tham gia vào các FTA này giúp kích thích đầu tư quốc tế nhiều hơn vào đất nước.
Bên cạnh đó, trong thời điểm khó khăn này của COVID-19, với thái độ và làn sóng bảo hộ của các quốc gia trên thế giới, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA hay RECP mà Việt Nam đang tham gia sẽ mở cửa cho các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế. Các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn sau đại dịch. Ngoài ra, các quốc gia có thể hợp tác về các giải pháp công nghệ và hợp tác kỹ thuật để chống lại một lần nữa là đại dịch.
Ông Nam cũng nhận định mạng lưới các FTA còn giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của sự suy giảm hệ thống thương mại đa phương.
"Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng vai trò của hệ thống thương mại đa phương. Các nước lớn đã tùy ý áp đặt các biện pháp bảo hộ bất chấp các quy định, nguyên tắc của WTO và vô hiệu hóa các luật lệ, cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này", ông Nam nói.
Trong bối cảnh đó, các FTA đã phát huy vai trò diễn đàn đối thoại cũng như khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và các đối tác hàng đầu của mình, giúp chúng ta giảm thiểu các tranh chấp ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại.
DN.
Các DN cần đổi mới tư duy, tự tìm hiểu, nắm bắt cơ hội về các FTA, tự vượt lên chính mình để đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường, chứng minh xuất xứ hàng hóa theo hiệp định để được hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan.
Bên cạnh đó, tự đổi mới cơ cấu sản xuất – kinh doanh, luôn linh hoạt đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường các quốc gia phát triển để đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao năng lực quản lý, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành đẻ nâng cao năng lực cạnh tranh; Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa
Tham gia vào các chuỗi sản xuất hàng hóa khép kín (cả trong nước và quốc tế) để tạo ra các hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu để cạnh tranh. Đặc biệt, các DN lớn cần trở thành những DN đầu đàn dẫn dắt các DNNVV tạo chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt, chuỗi giá trị thuần Việt để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế.
Tích cực tham gia các liên kết ngang và liên kết dọc để tăng tính cạnh tranh. Tích cực tham gia và phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành nghề, ngành hàng…trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các DN.
Cơ quan quản lý cần tuyên truyền phổ biến về các FTA cụ thể cho từng mặt hàng, từng ngành hàng, tạo điều kiện thuân lợi cho các DN dễ dàng tiếp cạn với các thị trường của từng hiệp định.
Tạo các điều kiện hỗ trợ thích hợp về môi trường sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho các DN để giảm các chi phí logistic, vận tải, chi phí tiếp cận thị trương… để các DN giảm chi phí và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Hoàn thiện các thị trường, đặc biệt thị trường tài chính để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, giá rẻ theo thị trường…
Trong điều kiện đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cần phát huy vai trò của các cơ quan Thương vụ Đại sứ quán tại các quốc gia thành viên các FTA tổ chức tìm hiểu thị trường, tạo các trang web nhằm giúp các DN có các điều kiện tìm hiểu về luật pháp, về thị trường, thâm nhập, XNK hàng hóa và hưởng các ưu đãi, tránh các rủi ro có thể xảy ra …
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”