Kịch bản Ấn Độ phải mua vắc xin Trung Quốc để cứu dân khỏi làn sóng COVID-19 thứ ba

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:23, 28/05/2021

Có thể đau khi tìm đến đối thủ để được giúp đỡ, nhưng vậy thì sao? Cứu mạng người dân là trên hết và Ấn Độ phải tiếp cận với Trung Quốc ra sao?

Chiến lược vắc xin của Ấn Độ đã thất bại. Thái độ thờ ơ khi các chuyên gia cảnh báo về làn sóng COVID-19 thứ hai trước khi nó bùng phát khiến chính phủ Narendra Modi trở tay không kịp và niềm tin sai lầm rằng vắc xin được tạo ra từ địa phương có thể đáp ứng cho 1 tỉ người trưởng thành khiến cả nước trở nên hỗn loạn. Ấn Độ đang nỗ lực mua vắc xin từ Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson nhưng danh sách sách đặt hàng với 3 hãng dược Mỹ đã đầy.

Theo nhà báo Andy Mukherjee của tờ Bloomberg (Mỹ), có một cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng, miễn là các nhà chức trách Ấn Độ nhìn vào thực tế: Mua vắc xin từ đối thủ trong khu vực là Trung Quốc.

Vắc xin Trung Quốc không đạt hiệu quả tương tự như các sản phẩm tiên tiến nhất và có thể không cung cấp khả năng miễn dịch cộng đồng. Seychelles, đảo quốc ở Ấn Độ Dương, đã chứng kiến ​​sự gia tăng ca mắc COVID-19 sau khi đưa Sinopharm (Trung Quốc) trở thành vắc xin chính trong quá trình tiêm chủng của mình. Thế nhưng khả năng miễn dịch cộng đồng không nằm trong tầm với của Ấn Độ, với hiện chỉ có 3% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Dù vậy, Ấn Độ ít nhất có thể đảm bảo rằng đợt bùng phát COVID-19 tiếp theo không giết chết hàng ngàn người mỗi ngày vì muốn có giường bệnh hoặc oxy.

an-do-phai-hoi-mua-vac-xin-trung-quoc-de-dan-khoi-lan-song-covid-19-thu-3.jpg
Nhiều người Ấn Độ có thể được tiêm vắc xin hơn nếu việc mua sắm mở rộng sang Trung Quốc

Muốn đạt được mục tiêu này, Ấn Độ phải nói chuyện với Trung Quốc và nói thì dễ hơn làm.

Ấn Độ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn, từ tranh chấp lãnh thổ lâu đời đến sự nghi ngờ sâu sắc với chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Thương mại song phương nghiêng hẳn về Trung Quốc. Việc ngập tràn các vật dụng giá rẻ từ Trung Quốc khiến các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ không khỏi thất vọng. Kể từ khi xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực 1 năm trước dọc theo biên giới Himalaya, cắt giảm hàng nhập khẩu và đầu tư từ Trung Quốc là mục tiêu không thể bỏ qua trong lời kêu gọi tự cung tự cấp của Thủ tướng Narendra Modi.

Các chính trị gia Ấn Độ thuộc mọi đảng sẽ khó có thể đột ngột ủng hộ vắc xin Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều gì có thể mang lại lợi ích quốc gia lớn hơn ngay bây giờ ngoài việc cứu người Ấn khỏi cái chết và mở cửa trở lại nền kinh tế một cách lâu dài?

Các vắc xin dùng công nghệ mRNA (RNA thông tin) từ Mỹ sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu có sẵn ngay lập tức. Các mã di truyền, kích thích phản ứng miễn dịch bằng cách hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein bắt chước một phần của vi rút, dường như cung cấp khả năng bảo vệ 90% chống lại COVID-19 có triệu chứng, vượt trội so với phạm vi 50% đến 80% của các mũi tiêm Trung Quốc được phát triển từ trạng thái bất hoạt vi rút. Thế nhưng, thời điểm đặt hàng liều vắc xin mRNA và thiết lập chuỗi cung ứng nhiệt độ cực thấp cần thiết là vào năm ngoái. Giờ đây, Pfizer và Moderna thẳng thừng từ chối các lời đề nghị từ các bang không được trang bị đầy đủ vật dụng của Ấn Độ. Ngay cả khi chính phủ liên bang cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất, hoặc Ấn Độ đảo ngược quyết định chuyển giao việc tiêm chủng nhóm dân số dưới 45 tuổi cho các tổ chức địa phương và khu vực tư nhân, sự trợ giúp từ Mỹ có thể đến quá muộn để ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ ba.

Ấn Độ hy vọng sẽ có được 2 tỉ vắc xin vào cuối năm nay thông qua việc bổ sung Sputnik V của Nga cũng như tăng cường công suất tại hai nhà sản xuất địa phương hiện tại là Serum Institute of India (nơi sản xuất vắc xin AstraZeneca) và Bharat Biotech (vẫn chưa công bố dữ liệu hiệu quả vắc xin bất hoạt ví rút của mình).

Một số tùy chọn khác đã được đưa vào để bù đắp sự thiếu hụt trong bảng tính của các nhà lập kế hoạch. Song, những gì xảy ra trên thực tế có thể chỉ cải thiệt đôi chút so với những liều vắc xin ít ỏi hiện tại. Dưới 2 triệu người Ấn Độ tiêm phòng mỗi ngày, ít hơn 40% so với hồi tháng 4 khi lượng hàng tồn kho không còn mỏng như bây giờ.

Một quốc gia đang phát triển với dịch vụ chăm sóc y tế chắp vá và ít bảo hiểm y tế nên càng có nhiều người được tiêm chủng đầy đủ càng sớm càng tốt. Ngay cả khi một số người trong số họ bị nhiễm bệnh đột ngột, không nhiều người phải cần đến bệnh viện chăm sóc.

Indonesia, quốc gia khác có dân số đông, nhận thấy rằng vắc xin Sinovac có hiệu quả hơn 95% trong việc ngăn chặn việc nhập viện và tử vong ở các nhân viên y tế. Điều đó sẽ mang lại cho Ấn Độ sự tự tin.

Thơi gian hành động là ngay bây giờ. Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu Sinovac cung cấp thêm dữ liệu trước khi xem xét cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Sự chấp thuận mà Sinopharm đã giành được sẽ cho phép công ty Trung Quốc thâm nhập chương trình Covax toàn cầu để cung cấp vắc xin chủ yếu cho các nước nghèo.

Chi phí sử dụng vắc xin Trung Quốc sẽ có thể kiểm soát được. 14 USD là số tiền mà Indonesia từng trả cho mỗi liều Sinovac. Điều gì sẽ xảy ra nếu Ấn Độ phải trả 30 USD cho mỗi mũi tiêm tương tự? Tiêm phòng đầy đủ cho 25% trong số 1 tỉ người trưởng thành có nghĩa là phải chi 15 tỉ USD, nhiều hơn một chút so với cổ tức mà ngân hàng trung ương vừa trả cho chính phủ Ấn Độ.

Nếu các kho dự trữ và nguồn cung sớm được đảm bảo, đó là khoản đầu tư xứng đáng - với điều kiện là Trung Quốc không liên kết việc Ấn Độ tiếp cận vắc xin với chương trình nghị sự địa chính trị của chính họ.

Việc trao đổi cần phải cẩn thận ở cả hai nước. Các cuộc đấu thầu thả nổi ở một số bang và thành phố đã cấm sự tham gia của các nước có chung biên giới trên bộ với Ấn Độ, một cụm từ để loại trừ Sinopharm và Sinovac. Việc mua vắc xin sẽ diễn ra công khai và bổ sung rất lớn vào thâm hụt thương mại hàng năm 38 tỉ USD của Ấn Độ với Trung Quốc.

Để vượt qua rào cản này, Thủ tướng Modi sau đó có thể kêu gọi người dân tẩy chay điện thoại sản xuất tại Trung Quốc. Đó là một thủ thuật, nhưng công chúng có thể thích ý tưởng hy sinh vì sự nghiệp quốc gia. Người Ấn Độ đã chi 3,5 tỉ USD mỗi năm cho các smartphone Trung Quốc trước đại dịch.

Thủ tướng Modi có thể giải thích việc kêu gọi dân không dùng thiết bị di động giá rẻ Trung Quốc trong 5 năm vì chi phí 15 tỉ USD nhập khẩu vắc xin một lần, qua đó giúp Ấn Độ tự chủ hơn. Đặc biệt là nếu điều đó giúp các nhà sản xuất trong nước có thể xuất khẩu lại vắc xin sang các quốc gia cần chúng một lần nữa. Việc này sẽ mang lại sự nhẹ nhõm lớn cho phần còn lại thế giới và Ấn Độ có quyền khoe khoang.

Nhân Hoàng