Phẫu thuật kịp thời nam thanh niên có gần 100 viên sỏi ở khớp háng
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 11:27, 28/05/2021
Cách đây 2 năm, anh T.T.T. (32 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) xuất hiện những cơn đau sâu trong khớp háng của chân trái. Ban đầu anh nghĩ là do mỏi cơ, chỉ cần nghỉ ngơi là đỡ. Nhưng những cơn đau nhanh chóng quay lại và thường xuất hiện ngẫu nhiên khi anh vận động. Lâu dần, anh đau đến mức đi lại khó khăn, không ngồi xổm được, không gập được khớp háng trái quá 90 độ.
Từ đó anh T. đi điều trị rất nhiều nơi, lấy thuốc uống nhưng không giảm. Sau đó, gia đình đưa anh T. vào thăm khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Thông qua khám lâm sàng và xét nghiệm, đặc biệt là phim chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp háng trái của bệnh nhân, các bác sĩ thấy quanh cổ xương đùi và mấu chuyển xương đùi trái có nhiều cấu trúc dạng viên, khả năng sạn (sỏi) trong khớp háng.
Đến lúc này, hướng chẩn đoán của các bác sĩ nghĩ đến nhiều nhất là bệnh nhân bị bệnh sạn trong khớp háng trái (u xương sụn). Sau khi hội chẩn và cân nhắc kỹ, ê-kip quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật mổ hở khớp háng trái lấy sạn và làm giải phẫu bệnh.
Ths.BS Lê Dũng, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cơ xương khớp (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết: “Điểm khó của ca bệnh này là cần phải chẩn đoán chính xác ngay từ đầu trước khi tiến hành can thiệp cho bệnh nhân. Khi bộc lộ khớp háng trái, chúng tôi bất ngờ thấy số lượng sạn quá nhiều nằm xếp chồng lên nhau từ bờ trước khớp háng vòng quanh cổ xương đùi ra sau đến đỉnh mấu chuyển lớn”.
Sau gần 1 giờ 30 phút, ê-kip bác sĩ đã lấy hết toàn bộ gần 100 viên sạn lớn nhỏ đường kính từ 1 – 5cm ra khỏi khớp háng người bệnh, đồng thời cắt lọc làm sạch bề mặt màng hoạt dịch khớp háng để ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Cũng theo BS Dũng, trường hợp này, nếu bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng lên và có thể dẫn đến thoái hóa khớp háng nặng, mất chức năng khớp háng hoàn toàn.
Kết thúc phẫu thuật, các bác sĩ lấy viên sạn làm giải phẫu bệnh lý, kết quả là u xương sụn phù hợp với chẩn đoán lâm sàng ban đầu. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt và đã được xuất viện.
Bệnh lý u xương sụn xảy ra khi màng hoạt dịch bị biến đổi bất thường, thay vì tạo ra dịch khớp bôi trơn thì màng này lại tạo ra các mẩu sụn nhỏ to dần theo thời gian, rồi trôi tự do vào khớp. Bệnh lý này cũng liên quan đến yếu tố di truyền, thường xuất hiện ở một khớp háng, khớp gối, khớp vai. U xương sụn là bệnh lành tính nhưng có thể tái phát sau phẫu thuật, do đó người bệnh cần được theo dõi tái khám định kỳ.
Bệnh lý sạn khớp có thể gặp ở người có tiền sử bệnh như: thoái hóa khớp, viêm khớp, gãy xương phạm khớp, chấn thương vùng khớp và một số rối loạn chuyển hóa... Điều nguy hiểm nhất của bệnh lý này gây ra là các mảnh sụn như những viên sỏi, tích tụ ngày càng nhiều, gây kẹt khớp làm người bệnh đau đớn, cũng như mài mòn dần phần xương khớp của bệnh nhân.
Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng như đau khớp, kẹt khớp, vận động khó khăn, cứng khớp, sưng đau ở khớp, sờ thấy có khối u cục quanh khớp, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.