Việt Nam xuất hiện biến chúng COVID-19 mới lai tạo giữa biến chủng Ấn Độ và Anh

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:17, 29/05/2021

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Cơ quan y tế vừa phát hiện ra chủng SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh”.

Sáng nay 29.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có báo cáo về tình dịch bệnh trong cả nước. Ông cho biết hiện nay xuất hiện nhiều ổ dịch lớn cùng một lúc ở một số tỉnh thành phố.

“Hình thái lây nhiễm nổi trội nhất trong thời điểm hiện nay là lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp ra cộng đồng và từ cộng đồng lây ngược lại khu công nghiệp” – ông Long nói.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay giải trình tự gien vi rút trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Theo đó, trên chủng Ấn Độ có những đột biến gien của chủng Anh. Đặc điểm của chủng này lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ vi rút trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.

Biến chúng này chưa có tên vào theo ông Long, tới đây Bộ Y tế sẽ tiến hành công bố chủng này trên bản đồ gien thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của nCoV, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn).

Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27.4 đến nay. Tổng số ca nhiễm cộng đồng là 3.595, ghi nhận ở 33 tỉnh thành. 5 tỉnh nhiều ca nhiễm nhất là Bắc Giang 1881, Bắc Ninh 736, Hà Nội 356 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 50 ca ở Bệnh viện K), Đà Nẵng 155, Vĩnh Phúc 89. TP.HCM 69 ca.

A.T (t/h)