Quốc gia phê duyệt sử dụng nhiều loại vắc xin COVID-19 nhất thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 08:50, 30/05/2021
Gia đình công dân Úc Rohan O'Brien tiêm tổng cộng 5 loại vắc xin COVID-19. Đó là vì họ sống tại Hungary - quốc gia tính đến nay đã phê duyệt sử dụng 8 loại vắc xin khác nhau, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Vợ O'Brien tiêm vắc xin Pfizer, mẹ vợ tiêm vắc xin Moderna, bố vợ tiêm vắc xin của Sinopharm, anh vợ tiêm vắc xin của AstraZeneca, còn bản thân ông tiêm vắc xin Sputnik V của Nga.
Gia đình O'Brien chính là hình ảnh thu nhỏ của “bức tranh” toàn cầu hiện tại: mọi người tiêm vắc xin khác nhau.
“Vắc xin khác nhau có hiệu quả khác nhau, đây là sự thật. Khác biệt còn gia tăng khi gia đình bạn tiếp xúc một biến thể vi rút đáng lo ngại nào đó mà loại vắc xin này bảo vệ tốt hơn, loại khác kém hơn”, chuyên gia dịch tễ Catherine Bennett thuộc Đại học Deakin cho biết.
Bà nói thêm: “Nhưng nếu một người trong gia đình mắc COVID-19, họ ít có khả năng lây cho người khác hơn. Và nếu số thành viên còn lại trong gia đình đều đã chủng ngừa cộng thêm thực hiện một số biện pháp phòng dịch, nguy cơ lây nhiễm lại giảm hơn nữa”.
Hiện tại có nhiều nghiên cứu xem xét khả năng dùng kết hợp 2 loại vắc xin trên một người. Chuyên gia Bennett nhấn mạnh nên chủng ngừa cho tất cả mọi người dù là không cùng loại vắc xin, còn hơn là có 1 hoặc nhiều người chưa tiêm.
Cứu người hay ngoại giao vắc xin?
O'Brien cảm thấy có nhiều định kiến chính trị đối với vắc xin Sputnik V. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ chính trị nên được gác lại và cùng nhau chống dịch”.
Sputnik V được xác định đạt hiệu quả 91,6%, nhưng quá trình triển khai loại vắc xin này tại châu Âu lại gây tranh cãi. Thậm chí Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã mất chức vì bí mật đàm phán mua 2 triệu liều mặc dù liên minh đảng cầm quyền chưa hề đồng ý.
Hungary khá khác biệt với phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) trong sử dụng vắc xin Sputnik V. Đến nay Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chỉ đang tiến hành “đánh giá toàn diện” vắc xin của Nga.
Ngoại giao vắc xin được nhắc đến nhiều thời gian qua: Nga tặng Sputnik V cho Palestine, Trung Quốc tích cực viện trợ vắc xin tự phát triển cho hàng loạt quốc gia láng giềng và quốc gia ở Thái Bình Dương, Ấn Độ trước lúc tái bùng dịch đã cung cấp hàng chục triệu liều vắc xin AstraZeneca cho thế giới, Mỹ tuyên bố chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vắc xin sản xuất bởi Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.
Một số nhà phân tích nhận định Sputnik V không chỉ giúp Nga tái khẳng định vị thế nước dẫn đầu về khoa học, vắc xin này còn phục vụ mục đích chính trị.
Theo học giả Michal Baranowski thuộc tổ chức nghiên cứu German Marshall Fund thì Sputnik V như công cụ triển khai quyền lực mềm. Một số nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo vắc xin này tiếp tay cho Nga gây chia rẽ hoặc tuyên truyền.
Phía Nga lập tức phản bác: “Sputnik V đang cứu mạng người chứ không phải công cụ chính trị. Chính trị hóa vắc xin là hành vi vô đạo đức khiến nhiều sinh mạng trả giá”.
Nhà dịch tễ học Mike Toole thuộc Viện nghiên cứu Burnet thừa nhận chính trị đang “cản đường” một loại vắc xin đầy hứa hẹn: “Có tư tưởng phản kháng về ý thức hệ lỗi thời ngăn chúng ta tiêm vắc xin từ “phía bên kia”.
Vấn đề công nhận vắc xin
Úc hiện chỉ mới phê duyệt 2 loại vắc xin Pfizer và AstraZeneca, nhưng nhiều công dân Úc tại nước ngoài lại tiêm các loại vắc xin khác (chẳng hạn như Sinopharm).
Tại Ireland, chính phủ nước này cho miễn cách ly bắt buộc với trường hợp đã chủng ngừa bằng một số loại vắc xin nhất định. Danh sách miễn trừ không bao gồm vắc xin Nga và vắc xin Trung Quốc.
Trong khi đó, Úc cách ly bắt buộc mọi trường hợp bất kể đã chủng ngừa hay chưa, tiêm loại vắc xin nào. Bộ Y tế nước này cho biết: “Chúng tôi chưa có quyết định mới nào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân đã chủng ngừa nhập cảnh. Chính phủ đang xem xét cách thức mở cửa lại một cách an toàn và quá trình này phải đi từng bước một, dựa trên lời khuyên y tế mới nhất và đánh giá rủi ro đáng tin”.
O'Brien hy vọng vắc xin Sputnik V mà ông tiêm sẽ được Úc công nhận. Việc cách ly bắt buộc trong khách sạn rất đắt đỏ và O'Brien mong sớm có thể đưa 2 con trai về ra mắt gia đình tại quê nhà.