TP.HCM sẽ xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, các bệnh viện vẫn đáp ứng năng lực điều trị
Sự kiện - Ngày đăng : 17:33, 30/05/2021
Trước mắt, ngành y tế tập trung lấy mẫu tất cả các đơn vị bầu cử nơi có hội viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hôm qua TP.HCM đã lấy hơn 50.000 mẫu xét nghiệm. Thành phố dự kiến kích hoạt công suất mỗi ngày lấy khoảng 100.000 mẫu để phát hiện nhanh các ca bệnh, sớm kiểm soát dịch. Lực lượng chức năng cố gắng tập trung lấy mẫu vào ban ngày, chỉ lấy ban đêm nếu có tình huống phát sinh.
TP.HCM hiện có hơn 400 đội lấy mẫu trên toàn thành phố, bao gồm nhân viên hệ thống Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế, Trạm Y tế, nhân viên từ các bệnh viện... Sở Y tế thành phố điều động thêm khoảng 400 sinh viên từ các trường đại học y khoa, triển khai lấy mẫu xét nghiệm thần tốc.
TP.HCM cũng sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả lao động làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao; gồm khoảng 280.000 lao động và 3.000 chuyên gia.
Theo ông Phong, nếu chỉ có nguồn nhân lực của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các quận, huyện thì không đủ để thực hiện, nên đề nghị Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TP.HCM cùng với HCDC hỗ trợ thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm; cố gắng phấn đấu lấy khoảng 50.000 mẫu đơn/ngày.
Ông Phong cũng đề nghị các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nghiêm các chỉ thị, chỉ đạo của UBND TP.HCM trước đó. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động bình thường, nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Ông Phong cũng nhấn mạnh, thời điểm này rất cần sự chung sức, hợp tác của người dân trong việc chấp hành nghiêm các yêu cầu, quy định để phòng, chống dịch bệnh. Người dân cần bình tĩnh, không bình luận, chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin chưa được cơ quan chức năng công bố liên quan đến tình hình dịch COVID-19 để tránh hoang mang dư luận.
Người dân có thông tin phản ánh về dịch COVID-19, nhất là những vi phạm về quy định phòng chống dịch, hãy gửi thông tin về Cổng 1022 của TP.HCM.
"Tất cả vì mục tiêu lớn nhất: Sớm đưa cuộc sống của người dân thành phố trở về bình thường sau 15 ngày nữa", ông Phong nói.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, cho biết những ngày qua nhân viên y tế đang dồn lực lấy mẫu các khu vực phong tỏa, có ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
"Sau khi hoàn tất lấy mẫu người dân ở những khu vực này, ngành y tế sẽ xem xét mở rộng lấy mẫu xét nghiệm tầm soát toàn bộ những khu vực khác. Kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tiến hành dựa theo phân loại nhóm nguy cơ", bác sĩ Dũng nói.
Trước mắt, thành phố đang lấy mẫu mở rộng cho toàn bộ người dân sống tại các phường 3, 5, 9, 14, 15, thuộc quận Gò Vấp. Đây là quận có trụ sở sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Quận cũng ghi nhận 44 ca nhiễm trong những ngày qua.
Để hỗ trợ ngành y tế quận Gò Vấp khẩn cấp lấy mẫu diện rộng, nhiều đơn vị đang chi viện như Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, các bệnh viện Bình Dân, Nguyễn Tri Phương, Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, An Bình, Đa khoa Sài Gòn, Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch...
4 ngày qua, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 133 ca mắc COVID-19 ở hai cụm dịch, chưa rõ nguồn lây. Trong đó, chuỗi liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng là lớn nhất từ trước đến nay với 126 ca COVID-19. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến hai vợ chồng ở quận Tân Phú đến nay ghi nhận 7 ca. Theo đánh giá ban đầu, hai chuỗi này có thể liên quan nhau.
Đến nay, các ca nhiễm ghi nhận ở 16 trong số 22 quận huyện thành với hơn 62.000 F1, F2, với 47 điểm phong tỏa. Theo ông Bỉnh, điều đáng lo ngại là kết quả giải trình tự gien vi rút của các bệnh nhân thuộc hai chuỗi đều nhiễm biến chủng Ấn Độ.
Biến chủng Ấn Độ được đánh giá khả năng, lây nhiễm nhanh hơn 1,7 lần so những chủng khác, có thể lây lan nhanh trong không khí ở môi trường kín. Cụm dịch này lây lan nhanh còn do nhiều người sinh hoạt trong phòng nhỏ khoảng 50 m2, không đeo khẩu trang, môi trường sinh hoạt không đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch.
"Hiện các bệnh viện TP.HCM vẫn đáp ứng năng lực điều trị", ông Bỉnh nói. Ba bệnh viện gồm Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Dã chiến Củ Chi, Điều trị COVID-19 Cần Giờ đang điều trị 142 bệnh nhân, bao gồm cả những ca ghi nhận trước đó, bệnh nhân nhập cảnh, người đã khỏi bệnh tái dương tính.
Theo ông Bỉnh, sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng chuyển nặng. Một trường hợp nguy kịch là "bệnh nhân 2983", vẫn đang chạy ECMO từ khi chuyển từ An Giang về, ngày 13.5. Bệnh nhân tổn thương đông đặc hai phổi, xét nghiệm còn dương tính với SARS-CoV-2.
TP HCM hiện có 5 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 gồm Chợ Rẫy, Dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Nhi đồng thành phố, Bệnh Nhiệt đới với tổng cộng 970 giường, 42 giường hồi sức, 39 giường đặt trong buồng áp lực âm và 42 máy thở.
Theo ông Bỉnh, TP.HCM từng lên kịch bản nếu dịch bùng phát 5.000 ca COVID-19, sẽ lập thêm các bệnh viện dã chiến ở Nhà thi đấu Phú Thọ, Nhà triển lãm quận 7, nhà văn hóa ở các quận.
TP.HCM đang cách ly tập trung 3.938 trường hợp. Ba cơ sở cách ly tập trung của thành phố gồm Học viện Chính trị 2, Trung tâm Quốc phòng An ninh và Huflit với tổng công suất 1.266 giường, đang cách ly 1.049 người. Hôm nay Huflit bổ sung giường sẽ tiếp nhận thêm. Số còn lại cách ly ở các quận, huyện và ở 44 khách sạn có thu phí.