Cô giáo về xứ Quảng

Giáo dục - Ngày đăng : 14:52, 10/06/2014

Osaka mùa này nặng trĩu những chùm hoa, vương vãi gieo rắc nỗi u hoài trong tận vô thức, màu vàng rũ chếnh choáng, vàng nhuốm buồn không gian. Sao kỷ niệm cứ hoài về "Cô giáo xứ Quảng"...
Sài Gòn ích kỉ tiễn tôi trong một ngày ảm đạm, mây ăn hết nắng, để tôi bơ vơ với bầu trời không có lấy vệt xanh. Miền Trung khoan dung đón tôi bằng những sợi mưa, điểm lên tóc tôi chút tình nồng ấm. Tôi về với đất Quảng, về với biển, về với ước mơ của một thời áo trắng. Tôi đi làm cô giáo. Một tháng!
Chuyến thực tập bắt đầu, bao thử thách làm tôi choáng ngợp, đôi lần chùng bước, đôi lần uất nghẹn nén vào bên trong. Vài lần thút thít, nước mắt lén lút lăn dài, rồi vội vàng lấy tay quẹt ngang chứ sợ có ai đó nhìn thấy. Và cũng có lần phải vỡ òa trong điện thoại với D.
Thời gian như một ván cờ, để rồi trên môi tôi chỉ còn lại nụ cười, niềm vui từ học trò mang lại lấp dần khó khăn, tôi biết mình cần đứng vững để sống những ngày trọn vẹn trên mảnh đất Quảng tình người và hòa mình trong tình yêu thương của trò trao tặng.
Học trò dễ thương là động lực cho tôi đi đúng con đường, tiêm thêm cho tôi liều thuốc an tâm để tiếp tục chuyến thực tập của mình. Tối về trò nhắn tin “Cô ơi! Cô có dạy thêm không cô? Cho em đăng ký 3 môn: café, nhậu, đi dạo”. Trò của thời đại công nghệ thông tin thế đó, năng động, cá tính, lì lợm.
Trò hay hỏi tôi: “Răng cô tóc dài dữ rứa?”. Tôi cười cười, rồi lắc đầu bảo “Cô để tóc dài từ nhỏ giờ rồi”. Tiếng ve trên các tán phượng cứ đua nhau khoe giọng hát của mình, làm rạo rực cả một khoảng trời trong vắt, pha loãng nỗi nhớ về một thời xa xưa không trọn vẹn, ghép lại những mảnh vỡ vô sắc để tạo nên một mùa nhớ miên man.
Người ta bảo: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”, và tôi đã say, tất nhiên không phải do rượu, mà là say vì tình - tình người. Người Quảng có trái tim nồng nàn của biển, có nụ cười chân chất như gió giao mùa và có món mỳ Quảng đôn hậu đến nao lòng.
Nụ cười không thể thiếu trên gương mặt của một cô giáo, một tháng được làm thứ mình khát khao, nghề mình từng mơ ước. Chỉ một tháng thôi! Liệu rồi sau này tôi có còn được gọi là “cô giáo” nữa không khi chông chênh những lo toan đời thường, khi chênh vênh những ngày tin ở quê báo bão.
Chỉ một tháng.
Rồi tôi sẽ phải bươn chải với cuộc sống, với dòng đời nghiệt ngã bất tận nơi xứ người, rồi giấc mơ được làm cô giáo chỉ đến khi vô thức của tôi trỗi dậy, khi đêm về! Được làm cô giáo dạy Văn, tôi đã vui biết bao nhiêu, mặc dù bao thử thách cứ chực chờ. Tôi nghĩ đến đây, nước mắt cứ khẽ tuôn, nghĩ chi cho một ngày không tên trong tương lai, tính tôi là thế, hay nghĩ hay vu vơ và hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp trong khoảnh khắc.
Co giao ve xu Quang
Kết thúc chuyến thực tập là những ngày nắng nhuộm tóc vàng hoe. Trò buồn buồn ôm tôi thật chặt rồi vội chạy ra phía sau cửa, để lại đó có tiếng nói vang lên “-Hắn khóc kìa cô!...”.
Ngoài hiên, nắng cứ rơi, tôi ước mình cũng có thể rơi như nắng.
“Cô ơi! Luôn mỉm cười với đời cô nhé và khi nào có người yêu nhớ giới thiệu cho em biết với nghe cô!”, đó là câu nói cuối cùng của trò khi chào tạm biệt tôi. Khép lại ước mơ thời cắp sách, tôi trở về với đam mê thực tại, “cô giáo” được gói gọn một cách tinh tế và cất vào ngăn hoài niệm.
Tôi ru điệu hò phương Nam
Thương cô phương ấy xuống đây dạy trò
Nghề ni khổ lắm cô ơi
Ráng công dạy học để đời lớn khôn.
Osaka vẫn du dương điệu “Bản tình ca đầu tiên”, còn tôi lạc bước trong chiều vàng nhặt lá!
Vĩ Như (Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM)