Quân đội Myanmar đơn phương ngừng bắn với các nhóm nổi dậy, giá lương thực tăng vọt làm người nghèo khốn đốn
Quốc tế - Ngày đăng : 09:50, 31/05/2021
Quân đội cho tất cả các hoạt động quân sự sẽ bị đình chỉ trên toàn quốc trừ khi các bộ phận quốc phòng, an ninh hoặc hành chính của nhà nước bị xâm phạm.
Theo tuyên bố, việc gia hạn ngừng bắn đến 30.6 nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với các tổ chức vũ trang dân tộc đã ký Thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc (NCA) nhằm tăng cường tiến trình hòa bình. Bên cạnh đó, quân đội Myanmar nỗ lực để các nhóm vũ trang dân tộc không thuộc NCA ký kết thỏa thuận về các biện pháp cần thiết vì một nền hòa bình lâu dài sẽ được thực hiện ở quốc gia Đông Nam Á.
Việc gia hạn cũng nhằm mục đích để học sinh trong nước có thể yên tâm tập trung vào học tập vì tất cả các trường dành cho giáo dục cơ bản sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 1.6, theo tuyên bố.
Đến nay, 10 nhóm vũ trang dân tộc đã ký kết NCA với chính quyền kể từ khi thỏa thuận này được bắt đầu vào tháng 10.2015.
Hôm 1.4, quân đội Myanmar cũng thông báo ngừng bắn 1 tháng với các nhóm phiến quân để đàm phán hòa bình, song cảnh báo tiếp tục trấn áp biểu tình.
Thượng tướng Min Aung Hlaing hôm 1.4 tuyên bố quân đội đơn phương ngừng bắn với các nhóm vũ trang dân tộc 1 tháng nhằm tiếp tục đàm phán hòa bình và để người dân tổ chức lễ té nước Thingyan diễn ra ngày 13 - 16.4 trong yên bình.
Tuy nhiên, tướng Min Aung Hlaing khẳng định lệnh ngừng bắn này không bao gồm các hoạt động của quân đội nhằm "đảm bảo trật tự công cộng trước các hành vi cản trở hoạt động của chính phủ", đề cập đến các cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự.
Lệnh ngừng bắn đơn phương được chính quyền quân sự Myanmar thông báo thời điểm đó diễn ra trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc gia tăng, sau các cuộc trấn áp mạnh tay của lực lượng an ninh nhắm vào người biểu tình chống đảo chính.
Trước đó, Quân đội Độc lập Kachin (KIA) chiếm một đồn cảnh sát quận Kyaukgyi tại bang Kachin. Phát ngôn viên KIA cho biết đồn cảnh sát bị chiếm trong đêm và "có vị trí chiến lược quan trọng" với quân đội Myanmar. Truyền thông Myanmar cho hay ít nhất 20 binh sĩ quân đội thiệt mạng trong trận giao tranh.
Quân đội Độc lập Kachin và Liên minh Quốc gia Karen tuyên bố sẽ bảo vệ người biểu tình trước quân đội Myanmar. Các nhóm vũ trang Quân đội Arakan, Quân đội Giải phóng Quốc gia Taang và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar từng ký thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Myanmar năm 2018, song ngày 31.3 tuyên bố sẽ phá vỡ thỏa thuận nếu lực lượng an ninh nước này không dừng trấn áp biểu tình.
Hôm 28.5 vừa qua, Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết lứa tân binh đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân đã hoàn thành khóa huấn luyện và công bố video họ diễu hành với quân phục.
Đoạn video về buổi lễ tốt nghiệp được phát hành hôm 28.5 với hình ảnh Yee Mon - Bộ trưởng quốc phòng của Chính phủ Thống nhất Quốc gia.
Trong video, khoảng 100 chiến binh diễu hành trên bãi đất lầy lội trong rừng rậm. Họ diễu hành trong quân phục rằn ri mới đằng sau các lá cờ của lực lượng mới, màu đỏ với một ngôi sao trắng. Video không cho thấy họ mang theo vũ khí.
Hôm 5.5, Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân để bảo vệ những người ủng hộ mình khỏi các cuộc tấn công quân sự và bạo lực do chính quyền kích động.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia được thành lập hôm 16.4 bởi những người phản đối chính quyền quân sự bao gồm các thành viên Quốc hội bị lật đổ, các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình chống đảo chính và các dân tộc thiểu số.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhân dân là tiền thân của Quân đội Liên bang. Lực lượng này có trách nhiệm "thực hiện các cải cách hiệu quả trong lĩnh vực an ninh để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 70 năm".
Các nhà chức trách quân sự Myanmar nói Chính phủ Thống nhất Quốc gia là phản quốc và Chính phủ lẫn Lực lượng Phòng vệ Nhân dân bị coi là các nhóm khủng bố.
Gần 4 tháng sau cuộc đảo chính, quân đội Myanmar vẫn đang vật lộn để áp đặt trật tự.
Các cuộc biểu tình chống quân đội diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi trên cả nước. Cuộc đình công của những người phản đối chính quyền đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh. Giao tranh bùng phát giữa quân đội Myanmar với các nhóm vũ trang dân tộc và các lực lượng dân quân mới được thành lập để chống lại nó.
Thelma Tun-Thein, người điều hành chương trình Lãnh đạo và Tự do của Viện Bush có trụ sở tại Mỹ, cho biết giá lương thực đã tăng vọt ở Myanmar dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội với vận chuyển và phân phối khiến người nghèo thêm khổ.
Với người nghèo của Myanmar, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch coronavirus, "không có mạng lưới an toàn, không có ngân hàng lương thực, không có gói kích thích kinh tế", bà nói.
COVID-19 bùng phát ở Myanmar khiến hệ thống y tế sụp đổ sau cuộc đảo chính. Xem chi tiết tại đây.