Di sản kiến trúc thời Xô Viết ở Trung Á

Văn hóa - Ngày đăng : 14:48, 31/05/2021

Kiến trúc thời Xô Viết ghi nhận có những ảnh hưởng nhất định lên nhiều quốc gia và vùng văn hóa khác nhau ở Trung Á, trong đó, có sự đan xen giữa phương Đông và phương Tây.

Trong nửa cuối thế kỷ 20, kiến trúc Liên Xô đã lan tỏa một công thức thẩm mỹ chung đến nhiều môi trường khác nhau, trở thành một phần không thể thiếu của việc truyền bá chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) – hệ tư tưởng hướng đến một xã hội hợp nhất, coi nhẹ văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, trên thực tế, kiến trúc là lĩnh vực rất nhạy cảm với sự thích ứng và ảnh hưởng của văn hóa địa phương, đặc biệt là ở Trung Á. Một bài tiểu luận Soviet Asia được xuất bản bởi FUEL, đồng tác giả là Roberto Conte và Stefano Perego sẽ giúp người yêu kiến trúc hiểu thêm về di sản Brutalism (chủ nghĩa thô mộc, gồ ghề) của các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan.

kientruc1.jpg

Khu nhà ở Aul (1986) ở Almaty, Kazakhstan mang ảnh hưởng kiến trúc thời Xô Viết - Ảnh: Roberto Conte

Ra đời ở vương quốc Anh sau chiến tranh, Brutalism ảnh hưởng đến kiến trúc Liên Xô vào những năm 1970. Những hình thức thiết kế chú trọng vào chức năng và sản xuất hàng loạt đã thay thế cho phong cách cổ điển Stalin.

Kiến trúc Liên Xô hiện đại có đặc trưng là khối lượng lớn và kết cấu thô. Tuy nhiên, hơn cả một tính thẩm mỹ, thuật ngữ này bao hàm một hệ tư tưởng cụ thể gắn liền với kiến ​​trúc. Chính quyền Liên Xô mong muốn thiết lập một hình ảnh kiến trúc và tiêu chuẩn sống đồng bộ trong khối Xô Viết. Tuy nhiên, chế độ này có cái nhìn cởi mở trong vấn đề thỏa hiệp và tái lập ngữ cảnh của lịch sử địa phương, cụ thể là kiến trúc Liên Xô ở vùng Trung Á.

kientruc12.jpg

Khách sạn Avesto (1984). Dushanbe, Tajikistan - Ảnh: Stefano Perego

Nhiếp ảnh gia Stefano Perego đã ghi lại những di sản kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn 1950-1991, giai đoạn mà Liên Xô đang tan rã. Hầu hết các kiến trúc này ít được biết đến và chỉ một vài công trình lần đầu được giới thiệu trong tài liệu nhiếp ảnh về kiến trúc Liên Xô.

tuongdailenin.jpg

Tượng đài Lenin (1965) ở Istaravshan, Tajikistan - Ảnh: Stefano Perego

Trong bài tiểu luận Soviet Asia, tác giả cho rằng việc phát triển đô thị ở Trung Á Liên Xô diễn ra theo một hình thái riêng, chịu ảnh hưởng văn hóa Ba Tư và Hồi giáo trong bản sắc và kiến trúc bản địa rất lâu trước khi đồng hóa vào Liên Xô.

Các kiến trúc sư đến từ Kiev, Moscow và Leningrad đã được mời đến các thủ đô của vùng Trung Á Liên Xô để giới thiệu về kiến trúc và đô thị hóa theo tinh thần Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, những kiến trúc sư địa phương được quyền thay đổi phong cách mà trước đó nhà nước đã định hình. Chính vì vậy, trong kiến trúc Liên Xô ở những nước Trung Á mang sắc thái đặc trưng của kiến trúc phương Đông, Tây, thể hiện trong màu sắc và trang trí của các hoa văn, tranh khảm, và nét thẩm mỹ thô mộc đan xen. 

kientruc2.jpg

Công trình Chorsu Bazzar ở Tashkent, Uzbekistan - Ảnh: Roberto Conte.

Kết cấu bê tông hình mái vòm của công trình Chorsu Bazaar ở Tashkent (thủ đô Uzbekistan) là đặc trưng tiêu biểu của các khu chợ ở Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, lớp mái ngói rực rỡ là điểm khác biệt và chịu ảnh hưởng từ phương Đông.

kientruc5.jpg

Tranh khảm mosaic Avicenna (1988) ở Dushanbe, Tajikistan mô tả nhà triết học Ba Tư Avicenna bên cạnh các phi hành gia Liên Xô - Ảnh: Roberto Conte

Trong suốt 20 năm, nhiều công trình kiến trúc Liên Xô cũ bị phá hủy ở Dushanbe (thủ đô Tajikistan), Tashkent và Almaty (thủ đô Kazkhstan). Dù vậy, trong nhiều trường hợp, không có gì để thay thế những công trình kiến trúc công cộng này và cho đến giờ các công trình này vẫn được giữ nguyên như một phần của lịch sử.

Ở Dushanbe, có một sáng kiến để tìm lại và bảo tồn những bức tranh tường (mural) và tranh khảm (mosaic) của kiến trúc Liên Xô. Còn ở Tashkent hay Almaty cũng có nhiều nỗ lực là lập ra danh mục và ghi chép lại những di sản đã từng xây dựng.

kientruc2a.jpg

Trung tâm triển lãm Hiệp hội nghệ sĩ (1974) tại Tashkent, Uzbekistan - Ảnh: Stefano Perego

Nhật Hạ