Dịch tả lợn châu Phi trở lại trong mùa COVID-19, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng
Video - Ngày đăng : 16:42, 31/05/2021
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ở lợn (kể cả lợn nuôi và lợn hoang dã). Bệnh không lây sang người nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng cho đàn lợn với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Vi rút dịch tả lợn châu Phi có gen di truyền dạng ADN, sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami. Đây là đặc điểm khiến cho vi rút này trở nên nguy hiểm đối với lợn.
Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp trong thời gian dài 3 – 6 tháng, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao. Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56oC trong 70 phút hoặc ở 600C trong 20 phút.
Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng 11 ngày, trong máu lợn ở nhiệt độ 4oC 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39oC 150 ngày; trong giăm bông 140 ngày.
Dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 – 15 ngày. Ở thể cấp tính, thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 – 4 ngày. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Đàn lợn 7 con, có 6 con chuẩn bị xuất bán thì 1 con lợn nái lăn ra chết nên phải mang đi tiêu hủy cả đàn. Đó là tình cảnh đáng buồn của gia đình anh Trần Văn Tiến (ngụ xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
“ Xung quanh người ta cũng bị, mình phòng cả ngày cả đêm mà cuối cùng vẫn không được. Đến lượt của mình thì mình phải chấp nhận. Dốc vốn vô đó, giờ tiền giống và tiền cám của họ nữa. Càng khó khăn hơn”, anh Tiến buồn bả chia sẻ.
Dịch tả lợn quay lại Nghệ An đầu năm nay và cứ thế ngày chóng lan rộng, vượt sự kiểm soát, gần như địa phương nào cũng có lợn mắc bệnh.
Ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, cho biết: “ Hiện nay trên địa bàn tỉnh, diễn biến dịch tả lớn châu Phi khá phức tạp. Hiện nay có 102 ổ dịch, xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ”.
Không chỉ Nghệ An mà dịch tả lợn đang bùng phát trở lại ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi quay trở lại và giải pháp nào để giải quyết tình trạng này? Mời bạn xem hết nội dung clip để nắm thông tin.
Nam Định tiêu hủy gần 10 tấn lợn nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định, từ ngày 11.5 - 25.5.2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh ở 50 hộ chăn nuôi tại 15 xã của 2 huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Trong đó, Hải Hậu có 13 xã, Nghĩa Hưng 2 xã.
Qua thống kê của 2 huyện, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 145 con (lợn nái 45 con, lợn thịt 82 con, lợn con 18 con) với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 9,7 tấn.
Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi đã chủ động giám sát dịch bệnh bằng hai hình thức chủ động và bị động.
Theo đó, với hình thức chủ động, đã lấy 107 mẫu bệnh phẩm lợn xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi (102 mẫu bệnh tai xanh và dịch tả lợn cổ điển). Kết quả xét nghiệm 5/107 mẫu dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi; tất cả các mẫu âm tính với bệnh tai xanh và dịch tả lợn cổ điển.
Với hình thức bị động, đã lấy 23 mẫu bệnh phẩm lợn ốm, chết, xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi (3 mẫu xét nghiệm thêm bệnh dịch tả lợn cổ điển và tai xanh). Kết quả 22/23 mẫu dương tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi; các mẫu âm tính với bệnh dịch tả lợn cổ điển và tai xanh.Hiện nay, tổng đàn lợn của Nam Định ước khoảng 645.000 con (không kể lợn con theo mẹ), tăng 1,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 81.000 tấn, tăng 2,15% so với năm 2020. Trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 85kg/con.