Trung Quốc cần quản lý, giáo dục công dân hạn chế sang nước khác trong mùa dịch

Góc bình luận - Ngày đăng : 09:12, 01/06/2021

Đối tượng khiến anh em canh phòng ở biên giới Tây Nam mất nhiều thời gian và đề xuất tài chính nhất là những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Sáng nay 1.6, mở báo là đọc được tin công an Tây Ninh áp tải 54 người nhập cảnh trái phép lên tận Lào Cai trao trả Trung Quốc. Theo đó, Công an tỉnh Tây Ninh chủ trì phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai tổ chức trao trả 54 công dân Trung Quốc (53 nam, 1 nữ) cho Trạm kiểm soát Biên phòng Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Câu chuyện này làm tôi nhớ đến chuyến đi cùng Tập đoàn truyền thông Thanh Niên hồi giữa tháng 3 để trao tặng sách cho lực lượng biên phòng Bình Phước. Trong bữa cơm thân mật, anh em biên phòng Bình Phước có kể việc canh phòng biên giới phòng chống dịch từ những người nhập cảnh rất cam go. Đối tượng khiến anh em mất nhiều thời gian và đề xuất tài chính nhất là những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Khi họ hoàn thành xong cách ly thì còn phải bố trí người đưa lên biên giới trao trả. Dù anh em không nói ra con số chi phí cụ thể nhưng tôi nghĩ chắc cũng rất tốn kém trong lúc chiến sĩ canh phòng biên giới đời sống còn nhiều thiếu thốn.

Những chuyến xe chở 54 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Tây Ninh lên Lào Cai thì đội ngũ đi theo để bảo vệ (đề phòng họ thất lạc thì rất khổ) chắc không thể chỉ là 2-3 chiến sĩ mà phải hơn. Rồi trong đoàn có 1 phụ nữ thì chắc ta cũng phải điều nhân viên nữ đi theo để đảm bảo an toàn, hỗ trợ khi cần thiết.  Tiền xăng xe, chi phí công tác ăn ở cho các chiến sĩ trong mỗi chuyến đi dài 2.000 cây số đường bộ không hề nhỏ.

Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 người trên Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt 4 triệu đồng/người. Chẳng hiểu họ sẽ trả phạt kiểu gì và số tiền phạt trên có bù đắp được nổi chi phí cho việc đưa công dân Trung Quốc hồi hương không.

Trước tháng 5, việc cách ly chỉ cần thực hiện trong 14 ngày còn giờ thì cách ly nâng lên 21 ngày, chi phí tốn hơn và nếu những người Trung Quốc này không có tiền trong người thì họ sẽ thanh toán tiền cách ly thế nào. May mắn nếu họ không nhiễm bệnh thì ta có thể tiễn bạn lên đường về nước còn không thì cũng phải điều trị theo đúng tinh thần nhân đạo và ngoại giao như thông lệ quốc tế.

Gần đây, báo chí lại nhắc vụ bệnh nhân 2585 là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tái dương tính sau khi hết cách ly. Bộ y tế ghi nhận người này dương tính vào ngày 25.3. Sau đó, bệnh nhân 2585 đã hoàn thành cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và được đưa về Trung tâm Y tế thành phố Thuận An tiếp tục theo dõi cách ly 21 ngày theo quy định. Trong thời gian bệnh nhân đang cách ly tại nhà, đến ngày thứ 7 lấy mẫu xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với COVID-19 vào 28.5.

Trường hợp này cho thấy người Việt Nam ta vô cùng nhân văn khi không chỉ điều trị, cách ly mà còn cho thêm thời gian cách ly tại nhà đối với bệnh nhân nhập cảnh trái phép.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng nước ta liên tục phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, từ bắc vào nam, từ giáp biên đến trong các đô thị. Thời điểm bình thường thì chỉ cần trao trả là xong còn trong thời kỳ dịch thì công đoạn phức tạp hơn. Không những việc cách ly trao trả tốn kém mà đáng lo ngại hơn là dễ gây nguy cơ lây lan dịch.

Trung Quốc từ tháng 3 năm ngoái đã tuyên bố kiểm soát dịch thành công và mở cửa giao thương trong toàn quốc, chỉ thắt chặt khâu nhập cảnh. Thiết nghĩ, Trung Quốc cần thắt chặt quản lý, tăng cường giáo dục công dân hơn nữa để khỏi đi lại lung tung sang các nước khác trong mùa dịch. Như thế, các nước xung quanh đỡ vất vả hơn mà Trung Quốc cũng không lo người nhập cảnh trở lại gây ảnh hưởng công tác phòng dịch của chính họ.

Anh Tú