Dùng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:31, 03/06/2021

Trong giai đoạn dịch COVID -19 đang diễn biến phức tạp, việc mọi người hạn chế tiếp xúc, kể cả trong chống dịch cần được khuyến khích. Do vậy, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc cảnh báo là một giải pháp hữu hiệu và hiện đại.

Chẳng hạn, khi cần theo dõi việc tụ tập đông người thì hệ thống cảnh báo nhờ camera thông minh (Smart VMS) là một giải pháp sẽ giúp nhắc nhở mọi người. Theo ông Nguyễn Đức Long – Tổng giám đốc công ty Homa (tại công viên phần mềm Quang Trung - QTSC), hệ thống quản lý camera thông minh (VMS) được Homa phát triển với mục đích thu thập dữ liệu video từ hàng ngàn camera khác nhau một cách hiệu quả trong thời gian thực. Nhờ ứng dụng AI cho hệ thống VMS nên hệ thống có nhiều tính năng ưu việt:

Tích hợp camera của nhiều hãng, nhiều loại camera khác nhau (IP, analog) trên cùng 1 nền tảng duy nhất. Ngoài các tính năng sẵn có như các hệ thống camera thông thường (xem trực tuyến, lưu video, phân quyền, lưới camera, tương tác trên bản đồ…), hệ thống VMS được bổ sung các tính năng về trí tuệ nhân tạo (AI) như phát hiện người, đếm lượt người, nhận diện khuôn mặt, nhận diện biển số, phát hiện đám đông… Có thể kích hoạt các tính năng AI một cách dễ dàng trên các camera sẵn có mà không cần phải thay mới camera (chuyển camera thông thường thành camera thông minh).

Đặc biệt, trong mùa dịch COVID -19 khi cần theo dõi việc tụ tập đông người thì hệ thống có khả năng nhận diện đám đông từ 3 – 5 người, từ đó đưa ra cảnh báo khi có đám đông tụ tập hoặc cảnh báo khi có người xuất hiện ở khu vực không được phép.

Trong khi đó, QTSC cũng đã phối hợp với công ty TMA Innovation nghiên cứu và phát triển, đưa vào ứng dụng trong thực tế nhằm sàng lọc người nghi nhiễm COVID-19.

h1a.png
Camera đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang người ra vào thang máy, tòa nhà

Khi có người đi qua, hệ thống sẽ tự động đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang (nếu người đó không đeo), nếu vượt quá 37,5 độ C thì máy sẽ đưa ra cảnh báo. Cổng đo thân nhiệt tự động này được áp dụng tại các tòa nhà, khu vực cách ly cần kiểm soát người ra vào nhằm mục đích thay thế người kiểm tra thân nhiệt như hiện nay, giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, mang lại tính an toàn cao.

Hiện tại hệ thống này đang được áp dụng tại tòa nhà TMA Building, tòa nhà QTSC Building 1, QTSC Building 9, QTSC; Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), khu biệt thự An Phú (Quận 2), Công ty LandmarkAsia PPVN...

Bà Nhiêu Quốc Trân - Trưởng Bộ phận Giải pháp Công nghệ QTSC cho biết: “Hệ thống tiện ích này giúp các cơ quan, trường học, bệnh viện, sân bay, các bến xe, trên xe bus và những nơi tập trung đông người giảm bớt được các nhân sự phụ trách kiểm tra thân nhiệt và nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”.

h2.png
Với thiết bị POD, người đi khám bệnh có thể sử dụng một cách rất dễ dàng mà không cần phải có sự trợ giúp của bất kỳ điều dưỡng y tá nào

Chuyên sâu hơn nữa là Hệ thống thu thập thông tin về sức khoẻ POD (Personal Online Docket) do công ty Alta Software tại QTSC phát triển đã đáp ứng được phần lớn yêu cầu của các nhân viên y tế trong bệnh viện, các cơ sở y tế. Đây là sản phẩm thiết bị phần cứng theo dạng checkin kiosk (một hình thức hành khách tự phục vụ) dành cho các bệnh viện, phòng khám với hy vọng có thể làm giảm tải công việc cho các y bác sĩ trong việc khám chữa bệnh.

Hệ thống cho phép việc lấy chỉ số sinh tồn như chiều cao, cân nặng, nhiệt độ, huyết áp, và nồng độ ô xy trong máu của người khám bệnh. Hệ thống mở và có thể tích hợp được với các hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) của các bệnh viện, phòng khám và có thể chuyển tiếp các chỉ số sinh tồn của người đi khám bệnh vào thẳng các hệ thống kế tiếp của bệnh viện. Các địa điểm lắp đặt thử nghiệm: Trung tâm Hỗ trợ Dự án và Đổi mới sáng tạo (GIC) bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh Viện Thống Nhất.

h4.png

PGS.TS.BS Phạm Lê An - Trưởng Trung tâm Đào tạo - Bác sĩ gia đình, Bệnh viện Đại học Y Dược

Nói về hiệu quả của hệ thống POD, PGS.TS.BS Phạm Lê An - Trưởng Trung tâm Đào tạo Bác sĩ gia đình, Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết: "Đầu tiên bài toán đặt ra là lấy dấu hiệu sinh tồn một cách chính xác và an toàn cho người bệnh bao gồm các chỉ số: mạch, huyết áp, nhiệt độ, cân nặng, chiều cao. Sau đó, dữ liệu được gửi về được lưu trữ một cách an toàn và bảo mật. Đối với người bệnh, ngay trong mùa dịch người bệnh cũng có thể tự động lấy thông số, tự động đo và tự động khai báo y tế. Và nếu như cảm nhận người bệnh có vấn đề thì cần phải đưa đi cách ly ngay chứ không cần phải vào khu vực bệnh nhân đông, tránh lây nhiễm chéo.

Bên cạnh đó còn một bài toán nữa đó là nhận diện khuôn mặt. Các bệnh nhân thường có Bảo hiểm y tế, việc nhận diện được khuôn mặt của bệnh nhân sẽ giúp nhanh chóng kết nối với hồ sơ sức khỏe điện tử của bệnh nhân hoặc là bệnh án điện tử trong bệnh viện. Từ đó dữ liệu được tổng hợp một cách toàn diện và liên tục và nếu bệnh nhân đi tái khám cũng rất nhanh".

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Tú Viên