Ông Biden trừng phạt 59 công ty Trung Quốc để Mỹ làm bá chủ về công nghệ, nhiều ngân hàng Phố Wall lao đao
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:40, 04/06/2021
Hôm 4.6, các nhà đầu tư không than thở trước việc Tổng thống Joe Biden đưa 59 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, ngay cả khi các nhà phân tích mô tả động thái này là phần mở rộng "khả thi hơn" của lệnh cấm từ thời Trump với đầu tư của Mỹ vào các thực thể có liên kết quân sự.
Động thái này có thể cản trở nỗ lực thâm nhập vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, của các ngân hàng Mỹ khi nước đông dân nhất thế giới mở cửa thị trường vốn.
Cổ phiếu của hầu hết các công ty niêm yết bị đưa vào danh sách đen đã tăng tại thị trường Trung Quốc hôm 3.6, bao gồm cả Zhonghang Electronic Measurements Instruments (nhà sản xuất thiết bị đo lường điện tử và cảm biến cho quân đội), Hangzhou Hikvision Digital Technology (hãng sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới).
Chỉ số CSI 300, tính các cổ phiếu lớn nhất được niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến, tăng 0,5%, trong khi chỉ số Hang Seng China Enterprises, phản ánh hoạt động chung của chứng khoán đại lục niêm yết tại Hồng Kông, giảm 0,2%
Hao Hong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty tín thác Bocom International, cho biết: “Với các nhà đầu tư, việc mở rộng danh sách không phải là điều bất ngờ trước những động thái của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số công ty trong số này đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn sau đợt bán tháo cổ phiếu Trung Quốc gần đây. Tuy nhiên, tác động lâu dài từ mối quan hệ xấu đi giữa hai quốc gia là điều đáng lo ngại hiện nay".
Hôm 3.6, Tổng thống Biden đã ký một lệnh cấm đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc, bao gồm cả Huawei và SMIC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc). Mỹ tuyên bố các công ty này có quan hệ với quân đội Trung Quốc hoặc bán công nghệ giám sát để sử dụng chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo và những người bất đồng chính kiến.
Lệnh cấm với các khoản đầu tư mới sẽ có hiệu lực vào ngày 2.8 và các nhà đầu tư có 1 năm để thoái toàn bộ số cổ phần hiện có.
Ngoại trừ 12 công ty, số còn lại đều bị ông Trump đưa vào lệnh hành pháp tương tự. Tuy nhiên, lệnh đó đã gây ra sự nhầm lẫn trong thị trường tài chính vì có rất ít hướng dẫn về cách thức thực hiện. Tòa án Mỹ sau đó đã phán quyết rằng chính phủ đã không cung cấp đủ bằng chứng trong một số trường hợp, chẳng hạn như của nhà sản xuất smartphone Xiaomi, để biện minh cho việc đưa công ty này vào danh sách.
"Trong khi duy trì lực đẩy của chính sách thời Trump và mở rộng nó phần nào, lệnh hành pháp sửa đổi rõ ràng hơn và giải quyết nhiều vấn đề trong lệnh hành pháp cũ. Với ít khoảng cách hơn, nó cũng có vẻ khả thi hơn", Nicholas Turner, luật sư của công ty luật Steptoe and Johnson ở Hồng Kông, nhận xét.
Hầu hết trong số 59 công ty bị trừng phạt là doanh nghiệp nhà nước liên quan đến kỹ thuật quân sự, điều hướng, vũ trụ, hàng không, tên lửa và công nghệ vệ tinh - những lĩnh vực mà Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng để thách thức quyền lực tối thượng của Mỹ.
Tướng Kenneth Wilsbach, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 4.6 rằng ông vui mừng khi thấy Tổng thống Biden mở rộng danh sách các công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc, cho rằng điều đó "nêu bật cách đảng Cộng sản Trung Quốc làm kinh doanh ở Trung Quốc và các doanh nghiệp theo cách nào đó cuối cùng đều hoạt động cho đảng".
10 trong số 12 công ty mới bị thêm danh sách đen được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải hoặc Thâm Quyến. Trong đó, Proven Glory Capital và Proven Honor Capital là các nhánh đầu tư của Huawei.
Một số có liên quan đến quân sự. Inner Mongolia First Machinery Group chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm quân sự, trong khi Shannxi Zhongtian Rocket Technology và Zhonghang Electronic Measuring Instrument phát triển, cung cấp công nghệ tên lửa, vật liệu tiên tiến và hệ thống đo lường hàng không cho quân đội Trung Quốc.
Alex Capri, thành viên nghiên cứu tại tổ chức Hinrich Foundation, nói với trang Nikkei rằng động thái mới nhất của chính quyền Biden là lời cảnh báo rõ ràng về sự tách biệt chiến lược trong lĩnh vực tài chính. Ông cho hay: “Dù hầu hết công ty trong danh sách đen mới nhất liên quan đến công nghệ quân sự và hàng không vũ trụ, thách thức lớn hơn liên quan đến sáng kiến tổng hợp quân sự-dân sự của Trung Quốc”.
Sự tách biệt như vậy có thể gây nguy hiểm cho các động thái của các ngân hàng như Goldman Sachs, JPMorgan và Bank of America nhằm thu hút hàng tỉ USD vào thị trường tài chính Trung Quốc trị giá 50.000 tỉ USD, vốn đang mở cửa cho những người chơi toàn cầu. Các ngân hàng đang tăng cường tiếp cận bảng cân đối kế toán với các khách hàng Trung Quốc, chuyển sang toàn quyền kiểm soát các liên doanh chứng khoán, tư vấn và quản lý tài sản của họ ở nước này, đồng thời thuê hàng ngàn nhân viên mới.
Hơn nữa, lệnh cấm đầu tư sẽ buộc các ngân hàng Mỹ ở Trung Quốc phải tránh xa không chỉ những công ty đó mà còn với bất kỳ thực thể nào có liên quan. Tuy nhiên, các mối quan hệ sở hữu và kinh doanh không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định. "Rất khó xác định trong hệ thống không rõ ràng của Trung Quốc", Alex Capri cho hay.