Mệt cỡ nào mẹ vẫn sẽ ở đây chờ con...

Giáo dục - Ngày đăng : 11:44, 17/07/2014

Cứ mỗi mùa thi đến, các trang báo, thời sự tràn ngập hình ảnh phụ huynh đứng chờ con dài trước cổng trường. Mỗi người một tâm tư, một nguyện vọng nhưng tựu chung ánh mắt đều hướng vào hội đồng thi – nơi đứa con bé bỏng đang căng thẳng bước vào cuộc “vượt vũ môn” quan trọng nhất trong đời.

Nhiều phụ huynh đến từ các tỉnh khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh cùng nhau trò chuyện, làm quen và kể cho nhau nghe chuyện gia đình, chuyện quê hương và quan trọng nhất là chuyện con cái.

Met co nao me van se o day cho con...
Ánh mắt mẹ sẽ dõi theo con đến hết cuộc đời
Đêm tối trước khi thi, mẹ tranh thủ gấp những cuốn sách lên giá sách cho con, dặn dò con từng chút một. Mới 4 giờ sáng, mẹ lặn lội thức dậy nấu cho con bữa sáng và chuẩn bị quần áo, giấy tờ cho con mặc dù 6 giờ 30 phút con mới vào phòng thi.
Đưa con đến điểm thi, mẹ theo con vào phòng thi, xem con ngồi ở đâu, ánh sáng như thế nào. Đến giờ con sắp bước vào phòng thi, mẹ bước ra cổng trường lặng lẽ, ánh mắt đầy hy vọng nhìn theo con bước vào khu vực thi. Tiếng trống bắt đầu làm bài vang lên, mẹ mới bắt đầu kiếm tạm ổ bánh mì ăn tạm, mắt vẫn không ngừng nhìn vào phòng thi.
Met co nao me van se o day cho con...
Cùng nhau hướng về phòng thi

Phía ngoài cổng trường, hàng trăm đôi mắt cùng hướng nhìn về một phía. Cùng ánh mắt ấy, mẹ cha theo con trong từng bước chân, từng khoảnh khắc của cuộc đời. Ánh mắt cha vui mừng, ánh mắt mẹ đầy hy vọng khi con vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chưa kịp mừng vội, mẹ cha lại mong mỏi, lo lắng cho kỳ thi đại học. Dù con thành công hay thất bại, trưởng thành hay vấp ngã thì cha mẹ luôn ở bên con bất cứ hoàn cảnh nào. Ánh mắt ấy vẫn theo con đi hết các chặng đường của cuộc đời.....

Dưới cái nắng chói chang của Sài Gòn, mẹ lấy miếng khăn giấy lau tạm mồ hôi nhễ nhãi trên khuôn mặt. Ánh mắt vẫn không ngừng nhìn về nơi ấy. Chợt ánh mắt của hai người mẹ gặp nhau. Họ cùng cười và sẻ chia cho nhau những kỷ niệm về đứa con bé bỏng của mình.

Bất chợt, chiếc xe chở cơm miễn phí đến cho sĩ tử. Không ai nói ai câu gì, ai cũng tự đứng lên rời chỗ trước cổng để sinh viên tình nguyện đặt những hộp cơm. Nhiều phụ huynh còn giúp sinh viên khiêng thùng cơm đến đặt ngay ngắn trên những chiếc bàn.

Trên khuôn mặt mỗi người, nét rạng rỡ hiện lên trông thấy. Dường như ai cũng tự nhủ với nhau rằng “Trưa nay con mình sẽ có cơm để ăn, không lo phải tìm quán cơm nữa, vừa an toàn lại tiết kiệm được chi phí”.

Cái nắng cứ oi ả, khuôn mặt mệt mỏi của cha mẹ vẫn hiện lên thấy rõ. Mặc dù mệt là thế nhưng cha mẹ vẫn nhất định không rời nơi đó nửa bước bởi vì sợ. Cha mẹ sợ khi con từ phòng thi bước ra sẽ không thấy hình bóng mẹ cha ở đâu. Con sẽ buồn, sẽ tủi thân khi thấy bạn bè khác có cha mẹ bên cạnh. Vì vậy, mệt cỡ nào mẹ vẫn sẽ ở đây chờ con. Chỉ như vậy mẹ mới yên tâm.
Met co nao me van se o day cho con...
Dù mệt mỏi nhưng mẹ vẫn chờ con, cùng con bước vào cuộc "vượt vũ môn" này
Rồi tiếng trống báo hiệu kết thúc giờ thi vang lên, tất cả phụ huynh đều đứng dậy, hàng trăm ánh mắt cùng ngước nhìn để tìm hình dáng con. Khi thấy con bước ra, cha mẹ như vỡ òa. Rồi mẹ cha chạy tới, ôm chặt con vào lòng và hỏi han con làm bài như thế nào. Hạnh phúc như tuôn trào khi con làm được bài. Hạnh phúc của con cũng là hạnh phúc của mẹ cha.

Một số sĩ tử làm bài không tốt, mẹ liền nắm tay con thật chặt, nhẹ nhàng khuyên con: "Chỉ cần con cố gắng hết sức là đủ”. Nỗi buồn của con cũng là nỗi buồn của mẹ cha.

Hai mẹ con cùng nhau tìm góc mát mẻ trong sân trường, ăn tạm hộp cơm miễn phí của các sinh viên tình nguyện phát cho. Mẹ nhìn con, ánh mắt âu yếm. Rồi mẹ gắp hết cho con những thức ăn ngon nhấ: "Mẹ ăn vậy là đủ rồi, con cần có sức để thi tiếp mà”.

Tiếng trống lại vang lên, môn thi khác lại tới. Mẹ lại căn dặn con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Dặn con là bài tốt, tập trung và chuẩn bị cho con một tâm lý thật thoải mái...

Phan Diệu