Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, WHO cảnh báo chương trình COVAX thiếu nguồn cung
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:45, 05/06/2021
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5.6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 173.256.047 ca, trong đó có 3.725.714 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.
Ngày 4.6, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà thuyên nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 34.190.145 ca, trong đó có 612.158 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả, Mỹ - tâm dịch của thế giới, đang ghi nhận những con số tích cực hằng ngày. Từ thời điểm số ca mắc mới lên tới hàng trăm nghìn ca, nay con số này giảm xuống còn 15.000-16.000 ca/ngày.
Xếp sau Mỹ về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ. Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 4.6 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 121.364 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc trên cả nước lên 28.693.816 ca. Ngoài ra, với việc có thêm 3.382 ca tử vong, tổng số ca không qua khỏi tại Ấn Độ hiện lên tới 344.101 ca. Cùng ngày, truyền thông dẫn kết quả một nghiên cứu của chính phủ nước này chỉ ra rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, đã gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này...
Ngày 4.6, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nước này không chỉ tạo ra các công nghệ độc đáo và nhanh chóng thiết lập việc sản xuất vắc xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong nước, mà còn giúp các đối tác nước ngoài triển khai sản xuất vaccine.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định đến nay, ngoài Nga không có bất cứ quốc gia nào giúp các nước khác triển khai sản xuất vắc xin ở trên lãnh thổ của họ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng giao cho các cơ quan chức năng Nga sớm triển khai việc tiêm vắc xin có thu phí đối với người nước ngoài tại Nga, đặc biệt là số đông các chuyên gia, công nhân nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ nhà ở và các dịch vụ cộng đồng khác.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng vắc xin Sputnik-V của Nga có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa COVID-19 và đang nhận được sự quan tâm từ giới doanh nhân, lãnh đạo các tập đoàn lớn ở châu Âu, họ sẵn sàng đến Nga để tiêm vaccine. Ông chỉ rõ: “Ngành công nghiệp dược phẩm trong nước đã sẵn sàng để tăng cường sản xuất vắc xin nhiều hơn nữa, tức là chúng ta không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của chính mình mà còn có thể tạo cơ hội cho công dân nước ngoài đến Nga và tiêm chủng tại đây”.
Trước đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chiều 3.6 cho biết Moskva sẽ thảo luận việc hợp tác sản xuất vắc xin Sputnik-V tại Việt Nam.
Ngày 4.6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 cấp cho cơ chế COVAX trong tháng 6-7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
COVAX được WHO và Liên hợp quốc (LHQ) đồng sáng lập nhằm đảm bảo phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp. Đến nay hơn 80 triệu liều vaccine đã được chuyển đến 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cho đến nay, các quốc gia giàu có cam kết chia sẻ hơn 150 triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn.
Tuy nhiên, trả lời báo giới, Cố vấn cấp cao của WHO - ông Bruce Aylward, cho biết COVAX đang cần thêm khoảng 200 triệu liều vaccine và hiện chưa có đủ vaccine để giúp đưa thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19. Ông đánh giá việc các nước giàu cam kết đóng góp 150 triệu liều vaccine cho COVAX là "sự khởi đầu tốt", song cho biết số vaccine này chưa được giao ngay trong tháng 6-7. Ông cũng cho biết thế giới sẽ cần có thêm 250 triệu người được tiêm vaccine từ nay đến cuối tháng 9 nếu muốn đạt mục tiêu có ít nhất 30-40% dân số toàn cầu được tiêm chủng trong năm nay.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4.6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.650 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 80.760 người.
Trong 24 giờ trước đó, ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.
Tại ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 4.6 cũng đứng thứ hai toàn khối.
Campuchia dịch bệnh đang vẫn ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 886 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua.
Ngày 4.6, Malaysia ghi nhận 86 ca tử vong (đứng thứ 3 trong khối ASEAN).
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong ngày 4.6, Thái Lan ghi nhận trên 2.631 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 31 người.