Hà Nội: Chủ tịch HĐND xã tự thêm phiếu bầu cho mình có thể bị 1-3 năm tù

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:29, 05/06/2021

Chủ tịch HĐND xã tự thêm phiếu bầu có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo điểm b khoản 2 Điều 161 Bộ luật hình sự năm 2015, đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm

Ủy ban Bầu cử huyện Mê Linh (TP.Hà Nội) vừa có báo cáo về chuẩn bị bầu cử lại tại đơn vị bầu cử số 4, xã Tráng Việt, do phát hiện 'vi phạm pháp luật nghiêm trọng' dẫn đến phải hủy kết quả.

bau-cu-2.jpg
Vi phạm bầu cử ở Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội

Cụ thể, hôm 23.5, sau khi kết thúc bỏ phiếu, Tổ bầu cử số 4 mở hòm phiếu để kiểm đếm phiếu bầu và phát hiện phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt thu về thừa 75 phiếu so với số phiếu phát ra (phát ra 1.228 phiếu, thu về 1.303 phiếu).

Qua điều tra, ngày 27.5, Ủy ban Bầu cử xã Tráng Việt cho biết ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Tráng Việt (là ứng cử viên đại biểu HĐND xã tại Đơn vị bầu cử số 4) đã đặt vấn đề với ông Nguyễn Hữu Hoàn (Tổ trưởng Tổ bầu cử Đơn vị bầu cử số 4) lấy một số phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã mang về nhà tự gạch tên người khác, để lại tên mình, rồi nhờ người bỏ vào hòm phiếu, dẫn đến thừa 75 phiếu bầu.

Ngày 27.5, Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh xác định 2 ông này đã “vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, cần phải xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm”. Sau đó, cả ông Hùng và ông Hoàn đều bị khai trừ Đảng.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết căn cứ theo Điều 161 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, Chủ tịch HĐND xã là người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử tự lấy phiếu bầu cho mình, dẫn đến việc phải tổ chức lại việc bầu cử.

Cụ thể, Điều 161 Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân quy định rõ người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân; Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”

Do đó, đối với hành vi này, Chủ tịch HĐND xã có thể bị xử phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo điểm b khoản 2 Điều 161 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đồng thời người này có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Lam Thanh