Google, Facebook, Amazon nói về thỏa thuận thuế lịch sử của Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:28, 05/06/2021
G7 là nhóm 7 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản.
Nick Clegg, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, cho biết: “Facebook từ lâu đã kêu gọi cải cách các quy tắc thuế toàn cầu và chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ quan trọng đạt được tại G7”.
Thỏa thuận được công bố tại London (Anh) giữa 7 quốc gia giàu có đã đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa nhằm đóng các lỗ hổng thuế quốc tế thường được sử dụng, vốn cho phép các công ty lớn nhất trên thế giới lách thuế trong và ngoài nước.
Thông báo chính thức thông qua chính phủ Anh gọi thỏa thuận này là "địa chấn", nói thêm rằng nó đồng nghĩa là "những gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia lớn nhất sẽ trả phần thuế công bằng của họ tại các quốc gia mà họ hoạt động". Chính phủ Anh không nêu tên các công ty cụ thể sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen nói thỏa thuận này đánh dấu "cam kết quan trọng, chưa từng có".
"Mức thuế tối thiểu toàn cầu đó sẽ chấm dứt cuộc đua xuống đáy trong thuế doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động ở Mỹ lẫn trên toàn thế giới", bà Janet Yellen, người có mặt tại London cho cuộc đàm phán, chia sẻ.
Bà Yellen cũng coi cuộc họp G7 là đánh dấu sự quay trở lại chủ nghĩa đa phương dưới thời Biden và trái ngược với cách tiếp cận của ông Trump, người khiến nhiều đồng minh của Mỹ xa lánh.
“Những gì tôi đã thấy trong thời gian làm việc tại G7 này là sự hợp tác sâu sắc và mong muốn phối hợp và giải quyết một loạt các vấn đề toàn cầu", Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận xét.
Bộ trưởng Tài chính Anh - Rishi Sunak cho biết thỏa thuận này là "giải thưởng lớn" cho những người nộp thuế ở Anh.
Bộ trưởng Tài chính Đức - Olaf Scholz cho rằng thỏa thuận này là "tin xấu với các thiên đường thuế trên khắp thế giới".
Người phát ngôn của Amazon cho hay: "Chúng tôi tin rằng một quá trình do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dẫn dắt tạo ra giải pháp đa phương sẽ giúp mang lại sự ổn định cho hệ thống thuế quốc tế. Thỏa thuận của G7 đánh dấu một bước tiến đáng hoan nghênh trong nỗ lực đạt được mục tiêu này. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy các cuộc thảo luận tiếp tục tiến triển với liên minh G20 và khuôn khổ bao trùm rộng lớn hơn".
Người phát ngôn của Google nói với Reuters: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ công việc đang được thực hiện để cập nhật các quy tắc thuế quốc tế. Chúng tôi hy vọng các quốc gia tiếp tục làm việc cùng nhau để đảm bảo một thỏa thuận cân bằng và lâu dài sẽ sớm được hoàn thiện".
Nick Clegg của Facebook nói thêm: "Thỏa thuận hôm nay là một bước quan trọng đầu tiên hướng tới sự chắc chắn cho các doanh nghiệp và củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống thuế toàn cầu. Chúng tôi muốn quá trình cải cách thuế quốc tế thành công và nhận thấy điều này có thể đồng nghĩa với việc Facebook phải trả nhiều thuế hơn ở những nơi khác nhau".
Tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn của quốc tế cho các kế hoạch tại cuộc họp của G20 ở Venice vào tháng tới, Ý cho biết các đề xuất này không chỉ nhằm vào các công ty Mỹ.
Bà Janet Yellen cho biết các nước châu Âu sẽ bãi bỏ các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số hiện tại mà Mỹ cho rằng phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước này khi các quy tắc toàn cầu mới có hiệu lực.
Bà nói: “Có một sự đồng ý rộng rãi rằng hai điều này đi đôi với nhau".
Các chi tiết chính vẫn còn được thương lượng trong những tháng tới. Thỏa thuận hôm 5.6 cho biết chỉ "các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất" mới bị ảnh hưởng.
Các nước châu Âu lo ngại rằng điều này có thể loại trừ Amazon - công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hầu hết các công ty công nghệ - nhưng Yellen cho biết bà mong đợi nó sẽ được đưa vào.
Ursula von der Le yen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết khối đã thúc đẩy "hiện đại hóa và hợp tác quốc tế hơn về thuế kinh doanh".
“Thỏa thuận này là bước tiến lớn hướng tới sự công bằng và một sân chơi bình đẳng”, bà nói thêm.
Những người khác ít nhiệt tình hơn. Ví dụ, tổ chức từ thiện Oxfam cho biết thỏa thuận G7 là "đặt ngưỡng thấp đến mức các công ty có thể vượt qua nó", theo Reuters.
Oxfam nhận định: “Thật vô lý khi G7 tuyên bố họ đang 'đại tu hệ thống thuế toàn cầu bị hỏng' bằng cách thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tương tự như mức thuế mềm áp dụng cho các thiên đường thuế như Ireland, Thụy Sĩ và Singapore".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Ireland - Paschal Donohoe, quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng vì đang áp mức thuế 12,5%, cho biết bất kỳ thỏa thuận toàn cầu nào cũng cần tính đến các quốc gia nhỏ hơn.
Ở Mỹ, thỏa thuận đặc biệt này cần được lưỡng viện của Quốc hội đồng thuận. Song, liên minh các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ có thể bắt tay chấp nhận thỏa thuận trên do bất bình trước cách cựu Tổng thống Donald Trump bị Facebook và Twitter cấm tài khoản, theo Maurice Obstfeld - viện sĩ cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế.
Các quy tắc thuế toàn cầu hiện tại có từ những năm 1920 và đấu tranh với những gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia bán dịch vụ từ xa, quy phần lớn lợi nhuận của họ cho tài sản trí tuệ được nắm giữ trong các khu vực pháp lý thuế thấp.