Người dân miền Tây và nỗi nhọc nhằn mùa dịch
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:00, 06/06/2021
Gần 1 tháng qua, đợt dịch COVID-19 mới ở nước ta bùng phát, lây lan với tốc độ chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã quyết liệt trong công tác phòng chống. Nhiều văn bản dừng hoạt động quán bar, vũ trường, massage, karaoke, phòng game, quán ăn vỉa hè; thực hiện việc đeo khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách. Kèm theo là các giải pháp dừng vận chuyển hành khách đến/đi từ vùng có dịch bệnh; khuyến khích hoạt động bán mang về, thanh toán trực tuyến và hạn chế ra đường khi không cần thiết...
Trong những chuyến công tác ở các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu… chúng tôi có ghé vào các hàng quán để ăn uống thì vô tình bắt gặp những tiếng thở dài, những cái lắc đầu đầy tâm tư của chủ quán. Họ nói bây giờ ai cũng lo sợ bị cách ly y tế nên chẳng dám ra đường khi không thật sự cần thiết, khiến tình hình buôn bán ế ẩm.
Chị C. - nhân viên phục vụ quán karaoke trên địa bàn TP.Cà Mau trầm tư: “Quán karaoke bị cấm hoạt động để phòng chống dịch cả tháng nay rồi nên chúng tôi không có việc làm, cuộc sống gặp rất khó khăn. Chẳng biết dịch COVID-19 đến bao giờ mới được khống chế, chứ tình hình này kéo dài tôi không biết mình sống thế nào”.
Anh Huỳnh Văn Vũ, chủ một quán cà phê ở Cà Mau cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của chính quyền địa phương, quán tôi chỉ phục vụ 4 người/bàn và giãn cách bàn với bàn tối thiểu là 1,5 mét. Từ khi dịch bùng phát quán buôn bán ế ẩm hơn, doanh thu cũng giảm xuống đáng kể”.
Vì sợ dịch bệnh nên nhiều gia đình ở vùng nông thôn cũng đóng cửa tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh. Anh Nguyễn Chí Nguyễn, ngụ TP.Cà Mau chia sẻ: “Dịch bệnh làm cuộc sống của xã hội trở nên xáo trộn. Tôi thường nói với gia đình là hạn chế mua hàng hóa qua mạng vì shipper giao hàng họ đi tùm lum rất khó kiểm soát. Hằng ngày, hễ người thân tôi mua lương thực, thực phẩm gì tôi cũng căn dặn đeo khẩu trang y tế và khi vào nhà thì phải rửa tay khử khuẩn. Thậm chí, tôi khuyên người thân hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh khi không cần thiết, nếu có thì phải thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế. Con cháu nghỉ hè tôi cũng bắt ở nhà hết”.
Tại một chốt kiểm dịch phòng chống COVID-19 của xã Định Thành, H.Đông Hải (Bạc Liêu), lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện ra vào địa phương luôn túc trực 24/24. Họ căng sức để kiểm soát tình hình bệnh dịch trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Dẫu có khó khăn nhưng lực lượng làm việc rất nghiêm túc, đúng tinh thần trách nhiệm của mình, quyết không để lọt người về từ vùng có dịch qua chốt/trạm mà không khai báo y tế.
Ông Trần Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Định Thành Acho biết: “Ở đây chúng tôi thực hiện phòng chống dịch rất quyết liệt và chặt chẽ. Anh em làm việc rất trách nhiệm, nhiều khi thấy anh em vất vả tôi chỉ biết động viên để sớm hoàn thành vì nhiệm vụ chung. Nhiều trường hợp bị chặn lại kiểm tra thì người dân tỏ ý không hài lòng, mình khuyên bảo, giải thích thì họ hiểu và chấp hành rất tốt nên chúng tôi cũng mừng”.
Ông Phúc còn cho biết, đối với những trường hợp về từ vùng có dịch thì địa phương ra quyết định cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung ngay. Riêng những trường hợp cách ly tại nhà thì hàng ngày địa phương đều cử cán bộ y tế đến gia đình đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe theo đúng quy định.
“Địa phương luôn tuyên truyền, vận động nên người dân rất ý thức, họ giám sát chặt chẽ lắm. Khi phát hiện người về từ địa phương khác là họ gọi điện thoại báo liền. Chúng tôi rất mừng vì ý thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực”, ông Phúc nói thêm.
Ngoài việc phải dừng hoạt động một số điểm kinh doanh thì dịch bệnh đã khiến cho việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của nông dân cũng gặp không ít khó khăn do không thể xuất khẩu. Giá cả nông sản xuống mức thấp chưa từng có nhưng vẫn không có người mua. Gần đây nhất là hàng chục nghìn tấn củ hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bị tồn đọng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho ngành chức năng địa phương phải kêu gọi “giải cứu” giúp nông dân địa phương thoát khỏi cảnh trắng tay, nợ nần. Hay như mới đây là việc kêu gọi “giải cứu” khoai lang tím của Vĩnh Long do không thể xuất khẩu được cũng vì dịch COVID-19.
Bấy nhiêu đó đã phần nào nói lên cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lây lan trên toàn cầu. Cuộc sống đảo lộn, người thì không có việc làm dẫn đến thu nhập bấp bênh, kinh doanh thì ế ẩm, hàng hóa, nông sản làm ra nhưng không tiêu thụ được. Cùng với đó, việc đi lại giao tiếp cũng bị hạn chế.
Dịch bệnh đã đẩy cuộc sống của nhiều người vào thế khó, chẳng biết bao giờ mới hết dịch để cuộc sống, sinh hoạt sớm trở lại như trước đây?